Trong số những phương tiện hiếm nhất mà Ukraine sử dụng có xe rà phá bom mìn BMR-64. Thế nhưng các đơn vị BMR-64 đã trải qua một cuộc chiến đầy khó khăn. Nga đã bắn hạ hoặc thu giữ ít nhất 2 phương tiện này vào tuần trước.
Binh sỹ Ukraine đứng cạnh một bãi mìn chống tăng ở Kharkov. (Ảnh: Reuters)
Trước khi Ukraine tiến hành phản công, Nga đã gia cố tuyến phòng thủ bằng cách đào chiến hào, đắp gờ đất, đặt các chướng ngại vật chống tăng bằng bê tông và quan trọng nhất là cài hàng nghìn quả mìn xung quanh các công sự tạo thành "vành đai lửa".
Khi Ukraine bắt đầu cuộc phản công cách đây hơn 3 tuần, những quả mìn này đã trở thành thách thức lớn nhất đối với bước tiến của Kiev. Đáng chú ý, cuộc tấn công của Lữ đoàn 33 và 47 của quân đội Ukraine ngày 8/6 đã kết thúc thất bại khi họ tiến vào một bãi mìn ở tỉnh Zaporizhzhia, miền nam Ukraine.
Mật độ mìn dày đặc trên tuyến phòng thủ của Nga khiến Ukraine phải triển khai một số lượng lớn các đơn vị công binh dẫn đường. Trên những chiếc xe chuyên dụng, lính công binh phải rà phá một diện tích nhất định để dọn đường cho xe tăng và xe chiến đấu di chuyển an toàn qua bãi mìn.
Đây là công việc cực kỳ nguy hiểm. Máy đào và lưỡi cày đôi khi hoạt động không hiệu quả và điều này dẫn đến những tổn thất nặng nề mà Ukraine phải gánh chịu trong tuần đầu tiên của cuộc phản công.
Các cuộc tấn công ở phía Nam Mala Tokmachka đã khiến Lữ đoàn 47 mất 3 trong số 6 xe rà phá bom mìn Leopard 2R do Phần Lan cung cấp. Đơn vị này cũng mất 1 máy rà phá bom mìn Wisent do Đức sản xuất cùng với một chiếc BMR-2 có từ thời Liên Xô.
Dọc theo các trục khác trên chiến tuyến, Ukraine bị mất một số phương tiện công binh khác có khả năng rà phá bom mìn, trong đó có 2 xe công binh IMR-2 từ Liên Xô và một chiếc BMR-64 hiếm. Một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy một chiếc BMR-64 bị hư hỏng và bị bỏ lại ở Zaporizhzhia. Không rõ quân đội Ukraine còn lại bao nhiêu chiếc BMR-64 sau khi mất một chiếc vào năm 2022 và chiếc thứ hai vào tuần này.
Xe phá mìn BMR-64 nặng 40 tấn, là sự kết hợp giữa phần thân xe bọc thép và tháp pháo cổ điển của xe tăng T-64A ra đời từ những năm 1970 với bộ lăn cào chống mìn liên hợp KMT-7. Pháo 125mm của xe tăng đã bị loại bỏ để giảm trọng lượng và thu gọn quy mô kíp lái xuống còn 2 người.
Nhưng BMR-64 cũng có nhược điểm giống như nhiều phương tiện rà phá bom mìn từ thời Liên Xô. Bộ lăn cào chống mìn liên hợp KMT-7 chủ kích nổ mìn ở hai bên rìa phía trước đường ray của phương tiện. Điều này có nguy cơ để sót những quả mìn chưa phát nổ ở giữa làn đường.
Giới quan sát dự đoán rằng Ukraine có thể sẽ mất nhiều phương tiện hơn khi cuộc phản công bước sang tháng thứ 2. Nhưng vẫn chưa rõ tổn thất này có thể ngăn được đà phản công của Kiev hay không. Mặc dù chỉ có một số lượng ít ỏi xe rà phá mìn Leopard 2R và BMR-64 nhưng Ukraine vẫn có những phương tiện công binh khác như Wisent hay IMR có thể gắn máy ủi hoặc con lăn để vượt chướng ngại vật.
Theo giới phân tích, trở ngại lớn nhất đối với cuộc phản công của Ukraine là quy mô chiến tuyến dài gần 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev phải dàn mỏng và phân tán lực lượng. Không giống như mùa thu năm 2022, Nga đã dành nhiều thời gian để xây dựng ba hoặc bốn lớp phòng thủ bao gồm chiến hào và công sự.
Một thách thức khác là các khu vực được rải mìn dày đặc tạo thành lớp phòng thủ bên ngoài của Nga. Các quan chức Ukraine ước tính, khu vực mà Nga đặt mìn có diện tích hơn 123.000m2.
Bên cạnh đó, Ukraine cũng thiếu ưu thế trên không, trong khi lực lượng tấn công của nước này ít hơn nhiều so với lượng lượng phòng thủ của Nga với tỷ lệ 3/1.
Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của của Tổng thống Ukraine cho biết các lực lượng Ukraine đang tìm kiếm các giải pháp để xử lý những vấn đề trên song song với việc tăng cường pháo kích vào các cơ sở hậu cần của Nga.
Rob Lee - thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ cho rằng, cuộc phản công lần này sẽ khó khăn hơn nhiều so với cuộc phản công của Ukraine vào mùa thu năm 2022, một mặt là do Nga đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, mặt khác năng lực quân sự của Moscow cũng gia tăng đáng kể và nước này đang có lợi thế về mặt phòng thủ.