Video: Cận cảnh 25,62 ha rừng khai thác để làm thủy điện Vĩnh Sơn 4 và cây bằng lăng được đưa ra khỏi rừng.
Mới đây, UBND huyện Vĩnh Thạnh có công văn gửi các phòng ban thuộc huyện và Công ty Cổ phần SX-TM Vĩnh Thạnh (Công ty Vĩnh Thạnh) thông báo kết luận việc kiểm tra hiện trường vụ khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên do chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 4. Văn bản do Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Thạnh Lê Minh Thông ký.
25,62 ha rừng tự nhiên được khai thác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai dự án thủy điện Vĩnh Sơn 4, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định.
Động thái này diễn ra sau chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định yêu cầu huyện Vĩnh Thạnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra phương án khai thác là chặt hạ, cắt khúc, nhưng Công ty Vĩnh Thạnh lại đào gốc để bán nguyên cây cổ thụ.
Văn bản do Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Thạnh Lê Minh Thông ký với nội dung "Ngày 08/12/2023, UBND huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra thực địa về việc khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên từ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 4 của Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại Vĩnh Thạnh. Sau khi đi kiểm tra hiện trường và ý kiến thống nhất của các ngành, UBND huyện Vĩnh Thạnh thông báo:
Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại Vĩnh Thạnh đã khai thác tận dụng tại lô a, lô b khoảnh 1, tiểu khu 100, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh.
Sản lượng đã khai thác tận dụng: 1.066 lóng gỗ các loại, khối lượng 295,493m3. Trong đó: Gỗ lớn: 418 lóng, khối lượng: 231,199 m3; Gỗ nhỏ: 648 lóng, khối lượng: 64,294 m3; Củi: 72,403 m3 (103,434 Ster); Cây cả gốc, thân cành: 01 cây bằng lăng, khối lượng 6,019m3
Tổng số cây bằng lăng theo phương án tại lô a và lô b, khoảnh 1, tiểu khu 100, xã Vĩnh Kim là 452 cây, đã khai thác tận dụng gỗ, củi khoảng 311 cây, còn lại là 140 cây.
Công ty Cổ phần SX-TM Vĩnh Thạnh khai thác tận dụng trên diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 4 là đúng với quy định của pháp luật và đúng theo phương án đã được phê duyệt. Việc Công ty Cổ phần SX-TM Vĩnh Thạnh khai thác tận dụng một số cây để trồng cảnh quan là không trái với quy định của pháp luật.
Trước đó, VTC News phản ánh việc dư luận tại huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định đã xôn xao việc Công ty CP Sản xuất - Thương mại Vĩnh Thạnh trúng đấu giá khai thác 25,62 ha rừng tự nhiên từ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai dự án thủy điện Vĩnh Sơn 4. Trong những cây rừng tại đây, có rất nhiều cây cổ thụ có chiều cao và đường kính lớn.
Quy trình khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên được cấp có thẩm quyền phê duyệt là chặt hạ, cắt khúc, nhưng doanh nghiệp lại bứng 1 cây bằng lăng cổ thụ mang ra khỏi rừng và bán với giá cao.
Ngày 12/10/2023, ông Đặng Bá Quang - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh - ký xác nhận vào bảng kê lâm sản cho phép Công ty CP Sản xuất - Thương mại Vĩnh Thạnh khai thác, chuyển giao cây bằng lăng còn nguyên gốc, có chiều dài hơn 10,5m, đường kính 127cm cho ông L.Đ.N. ở xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn, Bình Định). Sau đó, ông N. rao bán cây này với giá trên 200 triệu đồng.
Lâm sản chặt khúc và cây còn sống nguyên gốc có giá trị sử dụng hoàn toàn khác nhau khiến dư luận thắc mắc Nhà nước có bị “hớ”, ngân sách có bị thất thu trong vụ bán đấu giá 25,62ha rừng tự nhiên nói trên.
UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) khẳng định, Công ty Cổ phần SX-TM Vĩnh Thạnh khai thác tận dụng một số cây để trồng cảnh quan là không trái với quy định của pháp luật.
Trước kết luận “Công ty Cổ phần SX-TM Vĩnh Thạnh khai thác tận dụng một số cây để trồng cảnh quan là không trái với quy định của pháp luật” của UBND huyện Vĩnh Thạnh, thông tin tới VTC News, ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định - cho hay:
“Xây dựng phương án khai thác thuộc về UBND huyện Vĩnh Thạnh mà trực tiếp là Ban Quản lý rừng phòng hộ. Nguyên tắc phương án đã phê duyệt như thế nào thì phải làm đúng như thế ấy, còn việc để khai thác không đúng phương án thì trước hết huyện Vĩnh Thạnh chịu trách nhiệm".
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định khẳng định: "Về nguyên tắc, doanh nghiệp trúng đấu giá theo phương án nào thì phải thực hiện đúng như vậy. Nếu doanh nghiệp muốn đào bao nhiêu gốc cây thì địa phương phải xây dựng lại phương án, sau đó thẩm định giá rồi đấu giá bổ sung".
Trả lời câu hỏi, trúng đấu giá với phương án khai thác là chặt hạ, cắt khúc, nhưng doanh nghiệp lại đào gốc để bán nguyên cây cổ thụ thì về mặt pháp lý có được phép hay không, ông Phúc khẳng định: Việc doanh nghiệp đào cây nguyên gốc là không đúng với phương án được duyệt, là không được phép.
Nếu doanh nghiệp muốn đào gốc hay làm gì khác ngoài phương án được duyệt thì họ phải trình sửa lại phương án khai thác cụ thể, chứ không phải chỗ nào cũng được đào gốc mang đi.
Quy trình khai thác trong phương án được UBND huyện đồng ý duyệt trước đó cho phép Công ty Cổ phần SX-TM Vĩnh Thạnh khai thác.
Sau khi công văn của UBND huyện được phát đi, dư luận lại một phen “nổi sóng”.
Trong công văn do ông Thông ký ngày 2/01/2024 khẳng định Công ty Cổ phần SX-TM Vĩnh Thạnh khai thác tận dụng một số cây để trồng cảnh quan là "không trái với quy định của pháp luật", nhưng trước đó, trả lời báo chí, theo ông Thông, lâu nay đấu giá khai thác gỗ từ gốc trở lên, chứ chưa tính được phần âm dưới đất.
Phương án khai thác gỗ đơn vị tư vấn lập không có biện pháp đào cả gốc. Sau khi có ý kiến của Ban quản lý rừng phòng hộ, lãnh đạo huyện đã báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh Bình Định.
“Nhưng nếu tính cả gốc cả cây thì giá trị cây sẽ khác, có thể gây thất thoát, trong khi quy trình khai thác theo thông tư của Bộ NN&PTNT thì chưa có quy định cụ thể việc này”, ông Thông băn khoăn.
Kết luận trong công văn chỉ gửi các cơ quan cấp huyện cùng doanh nghiệp trúng đấu giá có sự "vênh" với phát ngôn trước đó của người đại diện huyện Vĩnh Thạnh khiến dư luận cho rằng, lãnh đạo địa phương "tiền hậu bất nhất".
Mặt khác, nhiều người đặt câu hỏi, nếu cho rằng việc doanh nghiệp “đào gốc bán nguyên cây” là không trái quy định của pháp luật thì vì sao ngày 2/11/2023, ông Thông lại đặt bút ký tờ trình gửi UBND tỉnh Bình Định, xin chủ trương về đề xuất xin các cơ quan chức năng ở huyện Vĩnh Thạnh cho khai thác đào nguyên gốc những cây rừng tự nhiên trong diện tích rừng trúng đấu giá quyền khai thác của Công ty Vĩnh Thạnh?
Một lý do nữa khiến dư luận hoàn toàn có cơ sở để hoài nghi là dù cây bằng lăng nguyên gốc được mang ra khỏi rừng bán từ tháng 10/2023 và sau khi vụ việc bứng cả cây rừng đem đi bán được phát giác, Công ty Vĩnh Thạnh mới gửi hồ sơ và xin tận thu đào sống cây đứng.
Tuy nhiên, hành động “tiền trảm hậu tấu” này không những không bị xem xét xử lý mà UBND huyện đã nhận văn bản đề xuất và giao Ban quản lý rừng phòng hộ huyện (đại diện chủ đầu tư bán đấu giá gỗ) tham mưu, đề xuất UBND huyện.
Những gốc bằng lăng còn lại trong rừng được moi gốc chờ sẵn để mang đi trước đó nếu không bị phát hiện.
Sau đó, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh đã mời Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định họp và có biên bản thống nhất theo đề nghị của doanh nghiệp cho khai thác (đào gốc cây) để trồng cảnh quan thuộc lô tài sản trúng đấu giá.
Và ngày 2/11/2023, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh còn ký tờ trình gửi UBND tỉnh Bình Định, xin chủ trương theo đề xuất của Công ty Vĩnh Thạnh, về việc xin khai thác tận dụng đào gốc cây để trồng cảnh quan.
Tờ trình của UBND huyện Vĩnh Thạnh mặc dù khẳng định, theo phương án khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 4 đã được thẩm định, phê duyệt thì “quy trình khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên gồm: Chặt hạ, cắt khúc,...; thu gom và vận chuyển”.
Thế nhưng, lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh lấy lý do, sau khi trúng đấu giá, Công ty Vĩnh Thạnh có văn bản gửi các ngành chức năng của huyện đề nghị cho khai thác (đào gốc cây) tận dụng cây để trồng cảnh quan thuộc lô tài sản trúng đấu giá.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có rất nhiều gốc bằng lăng khủng được chào bán với giá cao ngất ngưởng.
Theo UBND huyện này, các ngành có liên quan của huyện cùng với Chi cục Kiểm lâm đã có buổi làm việc và đã ký biên bản thống nhất đề xuất này.
“Vì vậy, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh xem xét, thống nhất cho Công ty Vĩnh Thạnh khai thác tận dụng đào gốc một số cây để phục vụ nhu cầu trồng cây cảnh quan, thuộc lô tài sản trúng đấu giá khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên từ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai dự án Thủy Điện Vĩnh Sơn 4”, tờ trình của huyện Vĩnh Thạnh gửi UBND tỉnh Bình Định nêu.
Ngày 2/12/2023, UBND tỉnh Bình Định có công văn chỉ đạo, yêu cầu huyện Vĩnh Thạnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, hướng dẫn Công ty Vĩnh Thạnh thực hiện đúng quy định về khai thác tận thu gỗ theo phương án đã được chấp thuận (Chặt hạ, cắt khúc,...; thu gom và vận chuyển).
Đến nay, tờ trình xin chủ trương khai thác tận dụng đào gốc cây để trồng cảnh quan trên còn chưa được UBND tỉnh duyệt thì chính quyền huyện ra tuyên bố: “Công ty Cổ phần SX-TM Vĩnh Thạnh khai thác tận dụng trên diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 4 là đúng với quy định của pháp luật và đúng theo Phương án đã được phê duyệt. Việc Công ty Cổ phần SX-TM Vĩnh Thạnh khai thác tận dụng một số cây để trồng cảnh quan là không trái với quy định của pháp luật" nhưng không viện dẫn được lý do vì sao "đúng theo Phương án đã được phê duyệt" và "không trái với quy định của pháp luật".
Trong khi UBND tỉnh Bình Định, Sở NN&PTNT Bình Định chưa có kết luận cụ thể cũng như phương án cho sự việc trên thì công văn “lưu hành nội bộ” của UBND huyện Vĩnh Thạnh gửi đến doanh nghiệp như một “kim bài miễn tử” cho việc khai thác cây nguyên gốc trước đó của doanh nghiệp và kèm theo câu cuối trong công văn: "UBND huyện Vĩnh Thạnh thông báo đến các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND xã Vĩnh Kim và Công ty Cổ phần SX-TM Vĩnh Thạnh biết, tổ chức thực hiện" lại như “giấy thông hành” cho doanh nghiệp tiếp tục “đào nguyên gốc, bốc cả ngọn” lâm sản đưa ra khỏi rừng để “trồng cảnh quan”.
Cây rừng tự nhiên là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, trên cơ sở thực trạng và mục đích sử dụng, cơ quan chức năng nên phương án bán đấu giá như thế nào thì doanh nghiệp phải thực hiện đúng theo phương án như vậy.
Trường hợp quá trình triển khai phát hiện có nhiều loại cây rừng có thể sử dụng làm cây xanh đô thị, cây cảnh có giá trị kinh tế cao mà doanh nghiệp đề nghị thay đổi phương án để khai thác triệt để, có lợi cho cả Nhà nước và doanh nghiệp, tạo nguồn thu cho ngân sách thì có thể điều chỉnh lại phương án và tổ chức đấu giá bổ sung.
Theo dự án thì khu vực này sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng thủy điện nên những cây xanh này không khai thác thì sau này hồ thủy điện ngập lên cũng hư hỏng. Bởi vậy, tất cả những cây xanh trong khu vực lòng hồ thủy điện mà có thể tận dụng làm cây xanh đô thị, cây cảnh hoặc khai thác lấy gỗ thì cần phải tận dụng triệt để.
Tuy nhiên, đã là tài sản của Nhà nước thì việc quản lý, khai thác, sử dụng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Doanh nghiệp trúng đấu giá khai thác dự án nào thì chỉ được triển khai theo dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo hồ sơ đấu giá.
Trường hợp doanh nghiệp khai thác những tài sản không có trong danh mục đấu giá hoặc thay đổi phương pháp khai thác làm tăng giá trị thì cần phải bổ sung lại phương án để tránh thất thoát tài sản của nhà nước.
Mục đích trong phương án cũ là lấy gỗ chứ không phải là làm cây xanh đô thị hoặc cây cảnh. Doanh nghiệp trúng đấu giá muốn đào cả gốc để sử dụng làm cây xanh thì phải lập lại phương án mới.
Bán gỗ sẽ có giá khác với bán cây cảnh. Nếu cây cảnh thì doanh nghiệp sẽ bê cả đất mang đi, phương thức khai thác và giá trị sẽ thay đổi nên đấu giá lại hoặc đấu giá bổ sung theo phương án mới là cần thiết.
TS Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội)