Theo lịch trình dự kiến, người sáng lập Alibaba sẽ xuất hiện trong tập cuối cùng của chương trình thực tế "Người hùng kinh doanh châu Phi".
Jack Ma là giám khảo của chương trình nhưng bất ngờ bị thay thế bởi một giám đốc điều hành của Alibaba trong trận chung kết diễn ra vào tháng 11.
Hình ảnh của ông cũng bị gỡ khỏi trang web của chương trình.
Tỷ phú Trung Quốc Jack Ma. (Ảnh: Fresh News)
Liên quan tới sự vắng mặt của Jack Ma, người phát ngôn của Alibaba cho biết ông không thể tham gia do "xung đột lịch trình".
Lần cuối cùng Jack Ma đăng tweet trên Twitter là vào ngày 10/10 năm ngoái.
Hồi cuối tháng 12, Cơ quan giám sát thị trường Trung Quốc (SAMR) thông báo điều tra Alibaba - đế chế kinh doanh khổng lồ do Jack Ma sáng lập, nhắm vào các cáo buộc về hành vi độc quyền.
Cuộc điều tra này diễn ra hơn hai tháng sau bài phát biểu gây tranh cãi của Jack Ma tại Thượng Hải hôm 24/10. Khi đó, ông chỉ trích hệ thống quy định của Trung Quốc kìm hãm sự đổi mới và ví các quy tắc ngân hàng toàn cầu như “câu lạc bộ của người già”.
“Hệ thống tài chính ngày nay là di sản của Thời đại Công nghiệp. Chúng ta phải thiết lập cái mới cho thế hệ tiếp theo và những người trẻ tuổi. Chúng ta phải cải tổ hệ thống hiện tại", ông Ma nói.
Sau phát biểu này của Jack Ma, ông bị triệu tập đến một cuộc họp kín hôm 2/11 với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và ba nhà quản lý tài chính hàng đầu khác.
Ngay hôm sau, đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 34,5 tỷ USD của Ant Group - công ty con của Alibaba bị sàn chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong lần lượt bị đình chỉ.
Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải cho biết "những thay đổi trong môi trường quản lý công nghệ tài chính của Ant Group có thể dẫn đến việc phát hành và niêm yết của công ty không phù hợp điều kiện hoặc yêu cầu công bố thông tin”.
Ant Group cũng bị giới chức Trung Quốc yêu cầu tái cấu trúc hoạt động của mình. Ant Group hiện là "gã khổng lồ" trên thị trường thanh toán điện tử Trung Quốc khi điều hành Alipay, một trong hai hệ thống thanh toán trực tuyến "thống trị" ở Trung Quốc.
Nhà đầu tư kỳ cựu của Mỹ Mark Mobius tin các động thái này được thiết kế để để hạn chế các tổ chức tài chính trở nên quá lớn.
"Tôi tin rằng chính phủ Trung Quốc đã vào cuộc vì họ nhận ra rằng họ phải điều tiết những công ty này, để chúng không trở nên quá lớn. Chính phủ Trung Quốc đang thức tỉnh trước thực tế rằng họ không thể cho phép các công ty này thống trị một lĩnh vực cụ thể và đặc biệt là lĩnh vực tài chính", ông này khẳng định.