Ngày 6/9, phát biển tại buổi lễ phát động Cuộc thi Tôi khoẻ đẹp hơn lần 2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở khu vực thành phố lớn.
Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020 của Viện dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19% năm 2020.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, chỉ riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện dinh dưỡng quốc gia đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TP.HCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.
Tỷ lệ béo phì ở trẻ em tăng gấp 2 lần. (Ảnh minh hoạ)
Nguyên nhân béo phì ở trẻ nhỏ
GS.TS Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng nêu nhiều nguyên nhân gây béo phì như gene, ăn uống không kiểm soát, thiếu vận động…
“Nguyên nhân chủ yếu gây béo phì ở nước ta do là lối sống tĩnh tại, ít vận động và chế độ dinh dưỡng mất cân bằng”, bà Hương nói. Béo phì sinh ra các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, thậm chí là nguyên nhân gây ra một số bệnh ung thư khi trưởng thành.
Thừa cân, béo phì là quá trình diễn ra trong thời gian dài, mỡ thừa, độc tố tích tụ qua nhiều năm tháng và gây ra nhiều tác động xấu đến cơ thể. Tuy nhiên, những tác hại của bệnh khó nhìn thấy ở giai đoạn thanh thiếu nhi. Nhiều ba mẹ chỉ nhìn thấy con đầy đặn, mập mạp thì vui mừng, mà không biết rằng bên trong cơ thể trẻ đang tiềm ẩn nhiều bệnh nguy hiểm.
Trái với tư tưởng của các phụ huynh trẻ mập mạp thì mới khỏe mạnh, bà Hương nói trẻ thừa cân, béo phì xu hướng mắc bệnh nghiêm trọng hơn những đứa trẻ có cân nặng bình thường. Những bệnh lý đơn giản như tiêu chảy cho đến viêm phổi hay nhiễm trùng ở trẻ thừa cân béo phì thường diễn tiến nặng hơn, thời gian hồi phục lâu hơn, cần thời gian điều trị lâu dài, tốn kém hơn.
Mắc bệnh béo phì trong giai đoạn trưởng thành có thể dẫn đến các bệnh về rối loạn chuyển hóa, mạn tính không lây như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường, suy giảm trí nhớ, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, viêm khớp cơ xương,...
Trẻ đang trong đội tuổi hoàn thiện về khung xương, việc thừa cân gây áp lực lên khớp xương, dẫn đến các bệnh về xương như dễ xảy ra tình trạng gãy xương, giòn xương, không thể phát triển tối đa được về chiếu cao.
Trẻ con từ 8 tuổi trở lên đã bắt đầu có nhận thức về hình thể, biết để ý đến ngoại hình. Do đó, thừa cân và béo phì khiến trẻ tự ti, mặc cảm với bạn bè hơn. Thậm chí, nếu trẻ không may bị bạn bè, người khác trêu trọc sẽ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, ảnh hưởng tâm lí lâu dài, suy giảm sức khỏe.
Phần lớn các phụ huynh không ước lượng được phần ăn như thế nào là đủ với trẻ, thường nghĩ cho trẻ ăn nhiều thịt, trứng, sữa mới bổ và khỏe, không bắt trẻ ăn rau.
Trứng, sữa hay thịt cung cấp chất đạm cần thiết cho trẻ, nhưng dung nạp quá mức thực phẩm này có khả năng gây thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa. Điều này còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ ở tuổi trưởng thành.
“Ngày nay chúng ta ghi nhận tình trạng trẻ hoá trong các bệnh về tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp ở người trẻ do lối sống, ăn uống thiếu lành mạnh”, bác sĩ Hương chia sẻ
Vị chuyên gia dinh dưỡng cho biết nhiều cha mẹ dù con bị thừa cân nhưng không hề cấm cản trẻ trong việc ăn uống, hoặc sinh ra cảm giác tội lỗi khi không cho con ăn. Từ đó dẫn đến trẻ ăn không kiểm soát khiến cân nặng ngày một tăng dẫn đến béo phì.
Ngoài ra chế độ dinh dưỡng nghèo chất xơ, canxi, vitamin và khoáng chất, thì lười vận động trong thời gian dài, nhất là sau khi ăn làm năng lượng không được tiêu hao, tích tụ thành mỡ thừa, cũng gây béo phì ở trẻ.
Béo phì là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh nguy hiểm sau này. (Ảnh minh hoạ)
Lưu ý khi giảm cân ở trẻ nhỏ
Bà Hương khuyến cáo, cha mẹ cần kiểm soát khẩu phần ăn của con, nên đi khám dinh dưỡng nếu con tăng cân quá mức. Tuy nhiên không vì thấy trẻ tăng cân quá mức mà cắt giảm bữa ăn đột ngột, hay bắt trẻ nhịn ăn, bỏ bữa bởi tác động xấu đến thể trạng của trẻ.
Chúng ta nên giảm khẩu phần ăn của con từ từ, giảm đều cả tinh bột, dầu, mỡ và đạm. Không nên cắt bỏ hoàn toàn một trong những thực phẩm trên, vì tinh bột giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể. Mỡ giúp hoà tan các vitamin tan trong dầu, đạm giúp hình thành máu nuôi các tế bào.
"Nếu con bạn đang ăn 2500 calo mỗi ngày thì bạn có thể giảm xuống 2400, 2300 calo, giảm dần theo từng ngày để cơ thể thích nghi tránh làm trẻ bị sốc", bà Hương nói.
Ngoài kiểm soát khẩu phần ăn của con, cha mẹ nên cho trẻ vận động từ 1 đến 2 giờ mỗi ngày, vừa rèn luyện sức khoẻ lại có thể tiêu hao năng lượng.