Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tỷ giá euro – USD 'thủng đáy': Triển vọng ảm đạm với kinh tế châu Âu

(VTC News) -

Tỷ giá giữa euro và USD thời gian qua giảm sâu và lần đầu tiên sau 20 năm, giá euro đang ngang bằng với USD.

Theo các chuyên gia, không chỉ vì USD mạnh lên, mà tự thân giá trị của euro cũng đang suy giảm do những vấn đề nội tại của nền kinh tế châu Âu.

Vào thời điểm 15h ngày 13/07 theo giờ Paris, đồng euro đã có lúc xuống thấp hơn đồng USD, với tỷ giá quy đổi khi đó là 1 euro chỉ đổi được 0,998 USD. Đây thực sự là một cột mốc lớn trong ngành tiền tệ bởi từ khi đưa vào lưu hành cách đây 20 năm, đồng euro luôn có giá trị cao hơn đồng USD.

Đồng euro ngang giá đồng USD sau 20 năm.

Kể từ đầu năm 2022, đồng euro đã sụt giảm 12% giá trị. Nguyên nhân đến từ cả hai phía, đó là một mặt đồng euro yếu đi là sự phản ánh nỗi lo lắng về sự yếu kém của nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu – Eurozone, mặt khác, cũng là do tác động tăng giá của đồng USD trong bối cảnh biến động to lớn về kinh tế và địa chính trị hiện nay.

Đầu tiên, việc đồng euro giảm sâu là do triển vọng kinh tế u ám của khu vực Eurozone. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã và đang có những tác động hết sức tiêu cực đến các nền kinh tế châu Âu. Do cuộc xung đột này, giá năng lượng và các nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng cao, đẩy lạm phát trong khu vực Eurozone lên mức trung bình 8,6%, cao nhất trong vài thập kỷ qua.

Tiếp đến, căng thẳng đối đầu với Nga khiến châu Âu tung ra nhiều lệnh trừng phạt kinh tế vô cùng nặng nề nhằm vào Nga và bị chính các lệnh trừng phạt này làm tổn hại, cụ thể là việc tìm cách chấm dứt việc nhập khẩu năng lượng của Nga buộc châu Âu phải đi tìm kiếm các nguồn cung thay thế đắt đỏ hơn nhiều lần.

Hiện nay, châu Âu đang đứng trước nguy cơ rất lớn là bị Nga cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt ngay từ thời điểm này bởi từ ngày 11/07, tập đoàn Gazprom của Nga đã tạm ngưng việc cung cấp khí đốt cho châu Âu do phải bảo trì đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 1” trong thời gian từ 10 đến 14 ngày. Tuy nhiên, trong ngày 13/07, Gazprom đã phát đi một cảnh báo rất đáng lo cho châu Âu rằng tập đoàn này không chắc có thể tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Đây là kịch bản được nhiều nước châu Âu đánh giá là “ác mộng” bởi nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt ngay lập tức, chắc chắn nhiều nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là Đức - cường quốc kinh tế số 1 châu Âu, sẽ rơi vào suy thoái. Chính vì những lo ngại này mà giá trị của đồng euro sụt giảm mạnh trong vài ngày qua, để lần đầu tiên sau 20 năm ngang giá với đồng USD, thậm chí thấp hơn USD.

Hiện nay, hầu hết các nền kinh tế lớn trong Eurozone như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan… đều đã đưa ra các dự đoán rất bi quan về tăng trưởng kinh tế năm nay. Hầu hết đều đã cắt giảm một nửa, thậm chí 1/3, dự đoán tăng trưởng so với trước khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine.

Đó là nguyên nhân về phía châu Âu nhưng cũng cần phải kể đến việc đồng USD tăng giá trị do các chính sách tiền tệ của Mỹ. Trong vài tháng qua, nhằm đối phó với lạm phát tăng cao, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất lên mức 2.00-2.25 điểm phần trăm và dự báo sẽ còn tiếp tục nâng lãi suất lên tiếp ngay trong tháng 7 này khi trong ngày 13/07, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ trong tháng 06/2022 được công bố là 9,1%, cao nhất trong hơn 40 năm qua.

Tương tự FED, Ngân hàng Anh quốc (BoE) cũng đã nâng lãi suất nhằm bảo vệ giá trị đồng bảng Anh. Vì thế, giá trị của đồng USD đã được nâng cao hơn đồng euro bởi so với Mỹ và Anh, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hiện vẫn chưa có động thái nào tăng lãi suất. Ngoài ra, do biến động địa chính trị lan rộng ra trên toàn thế giới sau xung đột Nga-Ukraine nên đồng USD cũng được coi là nơi trú ẩn an toàn hơn so với đồng euro, khi châu Âu là nơi hứng chịu rủi ro an ninh lớn nhất từ xung đột này.

Ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và đời sống

Đối với các doanh nghiệp châu Âu, việc đồng euro giảm giá có những tác động khác nhau. Đối với những doanh nghiệp xuất khẩu thì việc đồng euro sụt giảm giá trị sẽ mang đến nhiều thuận lợi hơn bởi khi đó giá sản phẩm bằng đồng euro sẽ có tính cạnh tranh cao hơn so với các sản phẩm niêm yết bằng đồng USD. Các doanh nghiệp lớn của châu Âu vốn nhiều năm qua hướng mạnh vào xuất khẩu ra ngoài thị trường châu Âu như hàng không, ô tô, hoá chất, hàng xa xỉ… sẽ là những bên được hưởng lợi.

Một số lĩnh vực kinh tế khác của châu Âu cũng có thể hưởng lợi là du lịch, nhà hàng-khách sạn bởi khi đồng euro sụt giảm giá trị, lượng du khách đến Mỹ, từ Anh hay các nước khác sẽ tăng mạnh bởi những du khách này sẽ phải chi ít tiền hơn so với trước kia. Hiện nay, châu Âu đã bước vào những tháng du lịch Hè quan trọng nhất trong năm nên đây có thể là một yếu tố kích thích các du khách trên thế giới đổ về châu Âu. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp khác, đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu thì việc đồng euro mất giá sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất.

Đối với đời sống người dân châu Âu, việc đồng euro sụt giảm mang đến nhiều tác động tiêu cực hơn. Theo các số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu, Eurostat, châu Âu thanh toán gần 60% hàng hoá nhập khẩu từ ngoài khu vực châu Âu bằng đồng USD, trong đó chủ yếu là dầu mỏ, khí đốt, nguyên liệu đầu vào, trong khi lượng hàng thanh toán bằng đồng euro chỉ khoảng 40%.

Do đó, với tình hình hiện nay, châu Âu sẽ phải chi nhiều euro hơn để trả cho cùng một lượng hàng niêm yết bằng đồng USD, tức chi phí nhập khẩu hàng hoá sẽ đắt đỏ hơn. Việc này sẽ phản ánh vào giá cả hàng hoá bán ra cho dân chúng và dân chúng châu Âu sẽ phải chi nhiều tiền hơn so với trước kia.

Hồi đầu 06/2022, các nhà kinh tế tại châu Âu đã tính toán, việc đồng euro mất giá 7% từ đầu năm đồng nghĩa với việc lạm phát tại châu Âu tăng thêm 0,8% nên hiện tại, khi đồng euro đang mất giá mạnh hơn, lạm phát tại khu vực Eurozone sẽ càng trầm trọng hơn. 

Tiếp đến, khi đồng euro giảm giá trị so với USD, người dân châu Âu cũng sẽ phải chi phí nhiều hơn nếu muốn đi du lịch đến các quốc gia sử dụng đồng USD như Mỹ hay một số nước neo đồng tiền bản địa vào USD như một số nước Trung Đông.

Khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất         

So với FED và Ngân hàng Anh quốc (BoE), Ngân hàng trung ương châu Âu – ECB bị xem là đang phản ứng chậm bởi lạm phát tại khu vực eurozone trong tháng 06/2022 đã lên mức 8,6%, chủ yếu do giá năng lượng đã tăng tới 42% so với trước đó 1 năm. Do đó, như đã thông báo hôm 09/06, nhiều khả năng ECB sẽ tăng lãi suất trong tháng 07/2022 và có thể tiếp tục trong tháng 09/2022.

Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde đã tuyên bố rằng ECB sẽ thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết để kiềm chế lạm phát hiện đang quá cao tại khu vực Eurozone mà theo bà Lagarde đánh giá, tỷ lệ lạm phát này sẽ còn kéo dài một khoảng thời gian nữa. 

Tuy nhiên, kịch bản này hiện vẫn đang gây nhiều tranh luận trong giới kinh tế. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, ECB sẽ chỉ can thiệp nếu đồng euro tiếp tục mất giá quá nhanh, tức xuống chỉ bằng 0,9 đến 0,95 USD. Ngoài ra, một số chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra mối lo khiến ECB vẫn còn chần chừ chưa dám can thiệp mạnh vào thị trường đó là việc làm sao kiểm soát được sự rạn nứt trong nội bộ các nước Eurozone một khi ECB tăng lãi suất chỉ đạo, bởi khi đó lãi suất đi vay giữa các nước trong Eurozone, đặc biệt giữa các nước Bắc Âu với các nước Nam Âu, sẽ có sự chênh lệch lớn.

Ngoài ra, khi lãi suất tăng cao, dòng tiền cho đầu tư của các doanh nghiệp cũng như tiêu dùng của các hộ gia đình sẽ sụt giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Do đó, mặc dù mục tiêu cao nhất của ECB là đưa lạm phát trong khu vực về mức 2% nhưng đây là bài toán khó khi phải cân bằng giữa chống lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. So với FED hay BoE thì ECB chịu nhiều ràng buộc hơn và không có khả năng can thiệp thoải mái hơn.

Quang Dũng (VOV-Paris)

Tin mới