Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tuyến cáp biển Thụy Điển tới Estonia 'bị hỏng'

(VTC News) -

Sự cố này là trường hợp thứ hai trong tháng liên quan đến việc dây cáp hoặc đường ống ở biển Baltic bị hư hại.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển cho biết trong một cuộc họp báo rằng tuyến cáp viễn thông dưới biển kết nối Thụy Điển và Estonia ở biển Baltic đã bị “hư hỏng”. Đây là lần thứ hai sự việc tương tự xảy ra trong khu vực trong tháng qua.

Bộ trưởng Carl-Oskar Bohlin nói với các phóng viên ở Gothenburg: “Chúng tôi hiện không thể đánh giá điều gì đã gây ra thiệt hại này”, đồng thời nói thêm rằng đó “không phải là đứt cáp hoàn toàn mà là hư hỏng một phần” và nó vẫn hoạt động. Bộ trưởng Thụy Điển cho biết, thiệt hại đối với tuyến cáp này xảy ra bên ngoài lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển. 

Ảnh tư liệu về các công nhân trong quá trình sản xuất đường ống dưới biển. (Ảnh: Getty Images/Carsten Koall)

Bohlin giải thích thêm, vụ việc dường như xảy ra cùng thời điểm với khi đường ống dẫn khí đốt Balticconnector và cáp viễn thông giữa Estonia và Phần Lan bị hư hỏng vào ngày 8/10. NATO đã thề sẽ có "một phản ứng thống nhất và quyết tâm" nếu điều tra xác định rằng nguyên nhân vụ việc là do những kẻ phá hoại.

Phần Lan nói rằng họ không thể loại trừ “tác nhân nhà nước” đứng đằng sau vụ việc ngày 8/10 và đang xem xét giao thông tàu thuyền trong khu vực vào thời điểm xảy ra vụ tấn công nghi vấn. 

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tuần trước đã cảnh báo về khả năng có những lỗ hổng đối với “các đường gồm dây cáp, dây điện, cơ sở hạ tầng dưới đáy biển” kết nối các quốc gia, truyền dữ liệu và cung cấp năng lượng trong khu vực. 

Người đứng đầu hải quân Thụy Điển, Chuẩn Đô đốc Ewa Ann-Sofi Skoog Haslum cho biết việc kiểm soát đầy đủ các vùng biển trong khu vực là một thách thức “rất căng thẳng”. Bà nói: “Mọi thứ xảy ra dưới mặt biển đều có thể bị phủ nhận”.

Tháng 9 năm ngoái, đường ống Nord Stream cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức đã bị vỡ trong sự cố được cho là do phá hoại và vẫn chưa xác định được thủ phạm. 

Seymour Hersh, nhà báo người Mỹ đoạt giải Pulitzer, đã xuất bản một báo cáo hồi đầu năm nay, trong đó ông trích dẫn các nguồn tin tình báo, cho rằng Mỹ đã thực hiện một chiến dịch bí mật của CIA nhằm phá hủy các đường ống với sự cộng tác của chính phủ Na Uy. Washington phủ nhận mạnh mẽ những tuyên bố này.

Một giả thuyết khác, được các phương tiện truyền thông phương Tây đưa ra, cho rằng một nhóm biệt kích Ukraine đã sử dụng du thuyền thuê để vận chuyển chất nổ đến địa điểm vụ nổ, nhưng CIA đã yêu cầu phía Ukraine hủy bỏ kế hoạch.

Phương Anh

Tin mới