Trong cuộc điện đàm hiếm hoi kể từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt diễn ra (24/2), Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Đại tướng Valery Gerasimov đã nêu lên những lo ngại về “bom bẩn” sẽ được sử dụng ở Ukraine với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đại tướng Mark Milley, RT đưa tin ngày 24/10.
Ngay sau đó tướng Gerasimov cũng có cuộc điện đàm với Đô đốc Tony Radakin, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Anh về vấn đề tương tự
Trong thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 24/10, Moskva tỏ ra quan ngại về mối đe dọa Kiev có khả năng sử dụng "bom bẩn". Đây cũng là nội dung chính trong cuộc điện đàm giữa tướng Gerasimov và hai người đồng cấp Anh, Mỹ.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đại tướng Mark Milley gặp Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Đại tướngValery Gerasimov tại Bern, Thụy Sĩ, vào ngày 18/12/2019. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)
Về phía Lầu Năm Góc, họ cho biết cuộc điện đàm ngày 24/10 chỉ xoay một số vấn đề liên quan đến an ninh mà không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa tướng Gerasimov và Milley kể từ tháng 5/2022.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết cuộc điện đàm giữa Đô đốc Radakin và tứng Gerasimov diễn ra “theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Nga”, đồng thời nói thêm rằng Anh “bác bỏ cáo buộc của Nga rằng Ukraine đang có kế hoạch hành động leo thang xung đột”. Ông Radakin cũng “khẳng định lại sự ủng hộ lâu dài của Anh đối với Ukraine”.
Dù vậy London đồng ý duy trì kênh liên lạc quốc phòng với Moskva nhằm “kiểm soát rủi ro và tạo điều kiện giảm leo thang”.
Diễn biến trên xảy ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu nêu quan ngại tương tự trong các cuộc điện đàm với các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Anh và Pháp.
Moskva đã cảnh báo các nước phương Tây về nguy cơ Ukraine sẽ thực hiện một cuộc tấn công “cờ giả” bằng “bom bẩn” để đổ lỗi cho Nga. Tuy nhiên các nước như Mỹ, Anh và Pháp đều lên tiếng bác bỏ cảnh báo này.
Trước đó, vào ngày 24/10, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố Kiev muốn biến Nga thành "nhà nước khủng bố hạt nhân" bằng cách cáo buộc Moskva sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời kích động một "chiến dịch chống Nga trên toàn cầu".
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 24/10 cũng tuyên bố rằng việc phương Tây không tin vào nguy cơ “bom bẩn” ở Ukraine không khiến mối đe dọa này biến mất.
Kiev sau đó đã bác bỏ cáo buộc của Moskva. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng nói rằng bên duy nhất có khả năng tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân là chính Nga.
Trong khi đó, Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các bên xung đột thể hiện sự kiềm chế. Ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tuyên bố: "Chúng tôi biết các thông tin trên báo chí nhưng không có cách nào xác minh. Quan điểm của chúng tôi về vấn đề này và về nhiều vấn đề khác nữa là tất cả các bên nên tránh bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến tính toán sai lầm và leo thang xung đột".
Theo TASS, Nga đã triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về nguy cơ “bom bẩn” ngay trong ngày 25/10. Nga "kêu gọi Tổng Thư ký Antonio Guterres làm mọi thứ trong khả năng" để ngăn nguy cơ "bom bẩn" được sử dụng ở Ukraine.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), bom bẩn là một hỗn hợp chất nổ và chất phóng xạ dạng bột hoặc viên nén. "Khi thuốc nổ hoặc các chất nổ khác được kích hoạt, vụ nổ sẽ thải chất phóng xạ ra khu vực xung quanh".
Mối nguy hiểm chính mà một quả bom bẩn gây ra là vụ nổ của nó. Các chất phóng xạ được giải phóng sau vụ nổ “có thể sẽ không dẫn đến mức phơi nhiễm bức xạ đủ để gây ra bệnh nghiêm trọng ngay lập tức, ngoại trừ những người ở rất gần khu vực vụ nổ”.