Mới đây, trong buổi giao lưu trực tuyến chuyên đề Giảm thiểu tai nạn giao thông cho trẻ em, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết:
“Sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện. Nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan đến vụ TNGT để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, luật pháp đã quy định rất rõ về việc xử lý phương tiện sau tai nạn giao thông, tuy nhiên cơ quan thực thi pháp luật, người thực thi pháp luật áp dụng luật có đúng không lại đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
“Om” phương tiện sau tai nạn
Về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - thẳng thắn cho rằng: “Tôi khẳng định trong hệ thống cơ quan thực thi pháp luật đang có tình trạng “om”, giữ phương tiện sau tai nạn giao thông. Cứ vin vào luật rằng sẽ phải giữ phương tiện bao nhiêu ngày, nếu anh xe to không có động thái thoả thuận hay cơ chế cho bên xe bé, bên bị thiệt hại lớn thì xe anh vẫn cứ nằm trong bãi. Điều này không thể chấp nhận được!”.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, việc tạm giữ phương tiện tại hiện trường TNGT sẽ thực hiện theo quy trình tại Điều 10 Thông tư 63/2020/TT-BCA, rằng không quá 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài và gia hạn đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, nhưng tối đa không quá 60 ngày.
Pháp luật đưa ra quy định này để tạo điều kiện cho cơ quan thực thi pháp luật, cho các bên xác định rõ trách nhiệm, xác định rõ việc vi phạm, trách nhiệm nhiều hay ít giữa các bên để xử lý vấn đề.
Chiếc xe máy đi ngược chiều bị ô tô tông trúng.
“Nhưng nếu đặt vào thực tế, có những vụ tai nạn chỉ cần một buổi là có thể xác định xong trách nhiệm, lỗi của các bên. Chỉ cần ra hiện trường, xem xét biên bản sự việc là xác định được ngay.
Việc tạm giữ phương tiện chỉ khi chưa có đủ căn cứ, điều kiện xác định vi phạm. Buộc phải giữ, không thể khác được thì mới giữ, còn không phải trả xe cho người ta. Hoặc trong trường hợp xe vi phạm về mặt quá hạn đăng kiểm, không đảm bảo điều kiện vận hành, thiếu các yếu tố về mặt kỹ thuật… thì mới được xử lý phương tiện”, ông Sơn nói.
le-hong-son.jpg
Xảy ra tai nạn là trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, không thể cứ tai nạn là đè ra giữ xe. Điều này thể hiện sự lạm dụng quyền hạn, biến tướng quy định pháp luật".
Ông Lê Hồng Sơn
Chia sẻ về vấn đề có hay không việc cơ quan thực thi pháp luật tạm giữ phương tiện cho đến khi có đơn bãi nại từ phía bên bị thiệt hại về người, ông Lê Hồng Sơn nói:
“Thực trạng này là có, thể hiện người giữ trách nhiệm giải quyết sự việc còn hạn chế về trình độ, vô cảm, cứ dựa vào pháp luật để ép người dân, “om” xe của họ, buộc họ phải đàm phán để có giấy bãi nại.
Giấy bãi nại thì giờ có người đòi hàng trăm triệu đồng. Tài xế mất số tiền lớn mới có giấy bãi nại lấy xe ra, còn chưa kể vấn đề “phong bao phong bì” để giải quyết cho nhanh. Hiện tại, nhiều cơ quan thực thi pháp luật, người thực thi pháp luật giải quyết vụ việc còn tuỳ tiện, có khi còn sai”.
Ông Lê Hồng Sơn cho rằng trên thực tế, dư luận vẫn truyền tai nhau về việc người thực thi pháp luật nhảy vào giữa, như kiểu “chân gỗ” để thu lợi ích từ cả hai phía.
“Tôi không phủ nhận nhưng để xác định được điều đó thì phải có chứng lý. Trách nhiệm làm rõ và giải quyết vấn đề này thuộc về cơ quan quản lý lực lượng thực thi pháp luật. Phải có sự kiểm tra, giám sát, nếu nhận thấy tình trạng thiếu trách nhiệm, ép người dân vào thoả thuận không hợp lý, vi phạm pháp luật nhằm trục lợi thì phải có biện pháp xử lý. Đây cũng chính là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Vị chuyên gia nhấn mạnh muốn bảo đảm nguyên tắc nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật thì cơ quan thực thi pháp luật phải có trách nhiệm giải quyết nhanh, gọn, chính xác. “Thi hành pháp luật phải chuẩn về hiệu lực quy định, từ công tác rà soát, công tác xác định hiệu lực của văn bản cho đến người thực thi”, ông Sơn nói.
Câu chuyện đạo lý và pháp lý
Bàn luận về thực trạng “xe lớn phải bồi thường xe bé”, ông Lê Hồng Sơn nhận định, việc thoả thuận sau tai nạn là điều hay, nên khuyến khích nhưng phải dựa trên nền tảng pháp lý, quyền lợi của các bên đều được đảm bảo.
“Đa phần các vấn đề dân sự, không mang yếu tố hình sự thì cơ quan có thẩm quyền hay kể cả khi ra toà án vẫn khuyến khích các bên trao đổi, đàm phán, thoả thuận để tìm ra một phương án hợp tình, hợp lý.
Điều này cũng được áp dụng trong các vụ TNGT bởi sự việc xảy ra không ai mong muốn cả. Thoả thuận để có phương án xử lý hài hoà, đáp ứng lợi ích các bên trên cơ sở đồng thuận là cái tốt”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng nêu ra thực trạng từ trước đến nay, xã hội mặc định rằng người đi xe xe máy thì có điều kiện eo hẹp, khó khăn hơn người đi ô tô.
“Nhiều trường hợp, ngay cả cơ quan thi hành pháp luật đứng ra dàn xếp, hoà giải cho hai bên vẫn theo tinh thần xe to, người có điều kiện phải hỗ trợ cho người khó khăn, bị thiệt hại nặng dù xe bé họ đi sai. Chúng ta cho rằng đó là đạo lý, sự nhân văn, nhưng điều này lại là một lỗ hổng trong áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật. Quyền lợi của một trong các bên bị xâm phạm”, ông Sơn nói.
Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, đạo lý phải song hành cùng pháp lý, đạo lý đi trước để các bên có trao đổi, thoả thuận với nhau trên nền pháp lý. Cơ quan thực thi pháp luật khuyến khích việc thoả thuận giải quyết vụ việc nhưng phải dựa trên trách nhiệm của mỗi bên.
Xe máy bất chấp nguy hiểm đi ngược chiều trên đoạn đường dành riêng cho ô tô.
“Để quyền lợi của các bên được đảm bảo, cơ quan hay người thực thi pháp luật có trách nhiệm phân tích hành vi vi phạm và yếu tố lỗi của từng bên nếu có, từ đó mới hướng dẫn, khuyến khích người ta thoả thuận với nhau. Nếu hai bên không thể tự thoả thuận thì phải đứng ra mà xử lý.
Ví dụ ở một vụ tai nạn liên quan đến xe máy đi ngược chiều trên cao tốc. Rõ ràng phải xác định ngay việc chạy xe máy lên đường cao tốc là hành vi sai trái, trách nhiệm trước hết phải thuộc về người điều khiển xe máy chứ không thể giải thích lý do lạc đường, không hiểu luật…
Còn nếu người đi ô tô có hành vi chạy quá tốc độ thì anh cũng phải chịu trách nhiệm. Ở đây là trách nhiệm hỗn hợp cả hai bên. Bên vi phạm có lỗi đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó”, ông Sơn phân tích.
“Thực tế hiện nay trên các đường cao tốc vi phạm rất nhiều. Đa phần các trường hợp vác xe máy lên cao tốc chạy, có tai nạn lại cứ đè người ô tô ra mà bắt bồi thường. Không thể lấy câu chuyện đạo lý để ù xọe, giải quyết sự việc như thế được.
Tôi nói thẳng đó là cơ chế tiêu cực nếu mà nó trượt đi khỏi cơ chế đàm phán đồng thuận trên cơ sở các bên đưa ra những chứng cứ có lý, có tình. Anh sai hoàn toàn, anh lại đi lấy tiền của người ta, ép người ta đưa tiền để có giấy bãi nại, đó có thể xem là hành vi chiếm đoạt tài sản”, ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Bất cập của pháp luật
Trong những vụ tai nạn liên quan đến xe máy đi ngược chiều trên đường cao tốc dành riêng cho ô tô, lái xe ô tô dù không sai nhưng vẫn sẽ gặp rất nhiều rắc rối, phiền toái. Xe của họ bị gọi là “xe gây tai nạn”, họ trở thành “người gây tai nạn” và họ phải tốn rất nhiều thời gian để làm việc với cơ quan điều tra, giải quyết các thủ tục pháp lý. Cùng với đó là những yêu sách của người nhà nạn nhân dù trong nhiều vụ việc, nguyên nhân lại xuất phát từ chính người đã mất.
Luật sư Trần Văn Huy - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Tín cho rằng, thực tế đáng buồn trên một phần bắt nguồn từ chính những bất cập của pháp luật.
Vị luật sư dẫn luật, khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Theo đó, trong mọi trường hợp, nếu người bị thiệt hại vô ý gây ra thiệt hại hoặc có lỗi cố ý, nhưng không phải hoàn toàn thì chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi có hậu quả xảy ra đều phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại lại quy định: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 585 Bộ luật Dân sự về Nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định: “Bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra”.
“Việc mâu thuẫn trong các quy định về bồi thường thiệt hại nêu trên đã làm cho đương sự, cơ quan và người tiến hành tố tụng có cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau để thỏa thuận hoặc giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của bị hại, làm cho pháp luật không được thực thi nghiêm minh.
Chính sự bất cập này đã tạo nên những nhập nhằng trong khâu giải quyết tai nạn giao thông có thể xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường bộ”, luật sư Huy nói.
“Pháp luật quy định rằng chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại… Tuy nhiên làm sao để xác định được rằng “lỗi cố ý của người bị thiệt hại”. Chẳng ông nào đi ngược chiều mà nhận rằng tôi cố ý đi vào để gặp tai nạn, họ lấy lí do lạc đường, không biết đường thì làm sao xác định đó là lỗi của họ được.Những quy định rất nửa vời dẫn đến gần như 100%, cứ xảy ra tai nạn, ông nào bị nặng hơn thì ông đó được bồi thường. Phản ánh thực trạng pháp luật đang bảo vệ cho người đi sai”, luật sư Trần Huy cho biết thêm.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong các vụ tai nạn liên quan đến xe đi ngược chiều gây tai nạn thì tài xế đi đúng phần đường có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự do không làm chủ tốc độ, không đảm bảo khoảng cách an toàn.
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Hoàng Ngọc - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhiệt tâm và Cộng sự - nhận định nếu tài xế đi đúng tốc độ và bị xe đi ngược chiều đâm trực diện thì không thể truy cứu trách nhiệm.
“Chúng ta có thể hiểu thuật ngữ “không làm chủ tốc độ, không đảm bảo khoảng cách an toàn” nghĩa là: Người lái xe phải kiểm soát được phương tiện của mình trong mọi tình huống, có thể duy trì sự cẩn trọng cần thiết và đúng đắn và luôn luôn trong điều kiện có thể thực thi mọi thao tác cần thiết của người lái xe.
Người lái xe khi điều chỉnh vận tốc của phương tiện, thường xuyên phân tích tình thế xung quanh, cụ thể như địa hình vùng đất, tình trạng đường sá, điều kiện và tải trọng phương tiện mình điều khiển, điều kiện thời tiết và mật độ lưu thông trên đường, để có thể dừng phương tiện trong khoảng tầm nhìn phía trước và dừng ngay trước bất kỳ vật cản nào có thể lường trước...
Như vậy, thuật ngữ này chỉ áp dụng cho hai xe đi cùng chiều, khi xảy ra tai nạn, cụ thể là xe đi đằng sau, tông vào đuôi xe đằng trước”, luật sư Hoàng Ngọc nói.
Nói thêm về việc này, luật sư Trần Văn Huy cũng cho rằng việc giữ khoảng cách chỉ đạt được khi hai xe điều khiển cùng chiều.
“Lấy ví dụ trong một vụ tai nạn xảy ra tại cao tốc giữa ô tô và xe máy đi ngược chiều, nếu người lái xe ô tô nhìn thấy và nhận biết có xe máy ngược chiều, có thể phanh hoặc giảm tốc độ để giữ khoảng cách nhưng trong khi đó, xe máy vẫn di chuyển đến gần xe ô tô thì việc tài xế ô tô phanh, giảm tốc độ chỉ có tác dụng hạn chế sự gia tăng thêm chuyển động của xe mình đến gần xe máy mà thôi. Khi đó rất khó và thậm chí là không thể đảm bảo khoảng cách được”, luật sư Huy nói.
Ông Huy cho biết thêm, để xác định việc “giữ tốc độ”, “đảm bảo khoảng cách an toàn” phụ thuộc vào kết quả điều tra do cơ quan có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật, nhằm phát hiện và thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu có liên quan để xác định diễn biến, nguyên nhân, điều kiện gây ra tai nạn giao thông…
Đồng thời xử lý những hành vi gây ra tai nạn giao thông (xử lý hành chính nếu hành vi của người gây tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm hoặc xử lý hình sự nếu hành vi của người gây tai nạn giao thông có đủ dấu hiệu của tội phạm) theo đúng quy định của pháp luật.
Trách nhiệm lớn nhất phải thuộc về cơ quan bảo vệ pháp luật
Ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng việc để các bên tự thoả thuận dân sự là điểm tựa, nhưng cũng là điểm yếu của quy định pháp luật.
“Theo nguyên tắc, người có lỗi thì phải bồi thường thiệt hại, chịu trách nhiệm về hành chính, nặng nữa là chịu trách nhiệm về hình sự. Nhưng từ trước đến nay, gần như đã trở thành tiền lệ, xe hiện đại phải bồi thường cho xe thô sơ, ô tô bồi thường cho xe máy, xe máy bồi thường cho xe đạp… Bên không có lỗi vẫn phải bồi thường.
Để pháp luật được thực hiện nghiêm minh, trách nhiệm lớn nhất phải thuộc về cơ quan thực thi pháp luật, xác định lỗi rõ ràng. Giải quyết sự việc trên nguyên tắc sai đến đâu, xử lý đến đó dù đó là xe to hay xe nhỏ. Tránh những bức xúc trong dư luận, triệt tiêu tiền lệ xấu của xã hội”, ông Xuyền nói.