Hôm 22/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua luật cho phép hải cảnh nước này sử dụng vũ khí nếu tàu nước ngoài tiến hành các hoạt động mà Bắc Kinh cho là bất hợp pháp. Cụ thể, Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc có thể dùng các loại vũ khí khác nhau, trong đó vũ khí cầm tay, vũ khí được phóng từ tàu hoặc từ trên không.
Động thái này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh ông Joe Biden vừa nhậm chức Tổng thống Mỹ. Truyền thông quốc tế cho rằng, quyết định công bố Luật Hải cảnh của Trung Quốc có thể khiến các vùng biển tranh chấp quanh nước này trở nên "hỗn loạn hơn", cũng như nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm tại các vùng biển tranh chấp.
Để làm rõ hơn về điều này, VTC News đã phỏng vấn, nghe chia sẻ từ chuyên gia Hoàng Việt - nhà nghiên cứu Biển Đông (Đại học Luật TP.HCM).
Một tàu hải cảnh Trung Quốc. (Ảnh: JCG)
- Ủy ban Thường vụ Trung Quốc vừa thông qua Luật Hải cảnh hôm 22/1. Vậy, vì sao Trung Quốc lại thông qua luật này ngay đầu năm 2021, trong bối cảnh ông Biden vừa nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ, thưa ông?
Trung Quốc đã đưa ra lấy ý kiến về dự luật này từ cuối năm 2020 nhưng đến thời điểm gần đây nhất, tức là ngày 22/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới chính thức công bố Luật Hải cảnh nước này. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/2.
Có 3 lý do cơ bản lý giải cho việc Trung Quốc công bố luật ở thời điểm này:
Thư nhất, Trung Quốc rất giỏi tận dụng thời cơ. Động thái này cho thấy rõ điều đó. Nếu như ông Donald Trump còn là Tổng thống Mỹ, Trung Quốc sẽ không dám đưa công bố luật này. Tính đến, ngày 20/1 (tức ngày ông Biden nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ), Bắc Kinh không dám “chọc giận” ông Trump, không đưa ra các tuyên bố hay đáp trả mạnh tay trên thực tế.
Ông Trump là vị Tổng thống có cá tính mạnh, sẵn sàng làm những điều không ai nghĩ tới. Do đó, Trung Quốc cũng đã có tính toán kỹ bởi nếu công bố Luật Hải cảnh vào thời điểm ông Trump còn tại nhiệm, Bắc Kinh có thể hứng đòn trừng phạt mạnh mẽ. Thế nên, Trung Quốc né tránh điều đó, chớp ngay thời cơ khi ông Trump mãn nhiệm để công bố Luật Hải cảnh.
Thứ hai, quyết định ban hành Luật Hải cảnh cũng là động thái Trung Quốc muốn răn đe các quốc gia khác trong khu vực Biển Đông, kể cả Mỹ. Tháng 10/2020, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đi thăm 5 nước ASEAN. Đầu tháng 1 năm nay, ông cũng đi thăm 4 nước ASEAN mà không có Việt Nam. Điều đó cho thấy, Bắc Kinh muốn răn đe các quốc gia khác, Trung Quốc có thể ra tay trước, bằng những hành động mạnh mẽ như quyết định công bố Luật Hải cảnh vừa qua.
Thứ ba, thông qua việc công bố Luật Hải cảnh, Bắc Kinh muốn thăm dò chính sách của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề Biển Đông cũng như trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc. Phía Bắc Kinh cũng muốn tung ra quả bóng thăm dò về phản ứng chính quyền Biden, rằng nước này muốn hòa hoãn chứ không muốn quan hệ hai nước căng thẳng như thời của ông Trump.
- Luật Hải cảnh Trung Quốc vừa công bố sẽ có tác động như thế nào đến tình hình khu vực, thưa ông?
Nhiều quốc gia khác cũng có luật hải cảnh như của Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong Luật Hải cảnh vừa công bố, Bắc Kinh cho rằng hải cảnh nước này có thẩm quyền sử dụng vũ lực trên vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia mà Trung Quốc tuyên bố. Vấn đề nằm ở chỗ, thế nào là vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia của Trung Quốc lại là câu chuyện khác.
Nếu như các quốc gia khác căn cứ theo luật biển thì không có gì phải bàn song Trung Quốc lại đưa ra yêu sách ngang ngược, rất mơ hồ về đường lưỡi bò, chiếm 90% diện tích Biển Đông. Trung Quốc luôn sử dụng luận điệu này, cho đội tàu hải cảnh rất lớn hoặc tàu chiến đâm va, tấn công các tàu cá của các quốc gia khác trong vùng đường lưỡi bò dù các vùng biển đó thuộc chủ quyền của các quốc gia khác.
hoang-viet.jpg
Việc công bố Luật Hải cảnh, Trung Quốc muốn thăm dò chính sách của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề Biển Đông cũng như chính sách đối ngoại của Washington với Bắc Kinh.
Chuyên gia Hoàng Việt
Trong năm 2020, tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam ngay khu vực Hoàng Sa. Với việc diễn giải mơ hồ về chủ quyền quốc gia trên biển mà luật pháp quốc tế không cho phép cũng như sử dụng tàu hải cảnh lớn tấn công các tàu cá nước khác cho thấy tham vọng của nước này, dựa trên những căn cứ phi lý, thực hiện những động thái hung hăng, ngang ngược trên vùng biển quốc tế nhằm phục vụ cho mưu đồ chính trị của Bắc Kinh.
Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục đưa các tàu hải cảnh nước này hoành hành trên các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác như đã làm trong năm 2020. Điều đó gây ra sự lo ngại rất lớn về an ninh cho các quốc gia có tranh chấp biển và liên quan đến vùng Biển Đông.
- Ngay khi ông Biden vừa nhậm chức Tổng thống Mỹ, Trung Quốc đã đưa ra các hành động cứng rắn, trong đó có trừng phạt 28 quan chức thời Trump và thông qua Luật Hải cảnh làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Có thể thấy gì qua các động thái này của Trung Quốc, thưa ông?
Trung Quốc không bao giờ từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông, kể cả bằng biện pháp vũ lực bởi thực chất Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để chứng minh các tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này. Về đường lưỡi bò, năm 2016, Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã ra phán quyết, coi yêu sách đó là không có giá trị. Chính vì tham vọng chiếm trọn Biển Đông nên Trung Quốc buộc sử dụng vũ lực và luôn muốn sử dụng vũ lực để rộng đường hành xử ở vùng biển này.
Trung Quốc là quốc gia luôn biết lợi dụng thời cơ, chớp cơ hội. Năm 2020, trong khi các quốc gia đang tập trung vào việc chống chọi với đại dịch COVID-19, Trung Quốc thực hiện các hành động căng thẳng, hung hăng trên Biển Đông. Trong bối cảnh nước Mỹ cũng đang rơi vào tình hình rối ren vì chính trị và chuyển tiếp quyền lực, Trung Quốc coi đó là cơ hội để trục lợi, thực hiện các hành động căng thẳng và hung hăng trên Biển Đông.
Ngoài việc tiếp tục các thủ đoạn để mưu đồ chiếm lấy Biển Đông, Trung Quốc cũng đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ, lợi dụng bối cảnh nước Mỹ đang đối mặt sự chia rẽ sâu sắc từ sau bầu cử cũng như quá trình chuyển giao quyền lực với rất nhiều bất ổn để tung đòn đáp trả Washington. Việc đồng thời trừng phạt 28 quan chức thời Trump và thông qua Luật Hải cảnh phản một mặt thể hiện rõ tham vọng của Bắc Kinh trong các bước đi để chiếm lấy Biển Đông, mặt khác Trung Quốc muốn răn đe cũng như thử phản ứng của chính quyền Biden.
- Ngay từ đầu năm, vấn đề Biển Đông đã nóng lên với một loạt sự kiện liên quan, trong đó có việc Nhật Bản gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, Đức tổ chức hội thảo về Biển Đông, Mỹ tiếp tục điều tàu sân bay và tàu tuần tra vào Biển Đông... Điều này có phải báo hiệu một năm hết sức căng thẳng trên Biển Đông hay không, thưa ông?
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Thông thường, tình hình Biển Đông sẽ nóng lên trong khoảng thời gian từ tháng 4-5 vì khi đó biển êm và hoạt động đánh cá phát triển. Thế nhưng, trong năm 2021, ngay từ đầu năm, đã diễn ra một loạt các sự kiện có liên quan đến Biển Đông.
Hôm 19/1, Nhật Bản gửi công hàm lên Liên hợp quốc để phản đối lập luận trong yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhật Bản là quốc gia ngoài khu vực Biển Đông đầu tiên gửi công hàm về vấn đề này. Các chuyên gia cho rằng, Nhật Bản đưa ra quan điểm này vì nước này cũng đang lo ngại trước việc Trung Quốc quấy rối, đe dọa chủ quyền của Tokyo đối với quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Việc Trung Quốc công bố Luật Hải cảnh sẽ mở đường cho các hoạt động của nước này trên biển trong thời gian tới. Vì vậy, có thể dự báo rằng, 2021 sẽ là một năm vô cùng căng thẳng đối với tình hình Biển Đông.
Trong đó, Trung Quốc sẽ lợi dụng thời cơ để tiến hành các hành động ngang ngược ở Biển Đông. Đặc biệt, trong bối cảnh ông Joe Biden mới nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông sẽ phải tập trung vào các vấn đề nội bộ của đất nước, hậu chủ nghĩa Trump và gồng mình chống lại đại dịch COVID-19. Trung Quốc cho rằng, đây là thời cơ để ra tay.
Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các đội tàu nước này ở Biển Đông, ngoài đội tàu hải cảnh còn có lực lượng dân quân biển, hay là lực lượng trá hình quấy nhiễu các tàu cá cũng như tàu thăm dò và khảo sát dầu khí, khai thác dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia,..
Việc Nhật Bản - quốc gia châu Á đầu tiên, ngoài khu vực Đông Nam Á gửi công hàm lên Liên hợp quốc cũng sẽ báo hiệu việc các quốc gia khác nối tiếp cuộc chiến về pháp lý, lên án các tuyên bố chủ quyền phi lý cũng như các hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Các công hàm phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ vẫn tiếp diễn, không dừng lại.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ đã đi vào Biển Đông ngày 23/1. (Ảnh: US Navy)
- Sau khi hoàn thiện nội các, liệu ông Biden sẽ có hành động thế nào trước sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông?
Trước hết, chúng ta thấy phản ứng của chính quyền Biden không phải không mạnh. Ngay trong lễ nhậm chức của ông Biden hôm 20/1, đại diện của Đài Loan lần đầu được mời tham dự kể từ năm 1979. Đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden cũng rất kiên quyết trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc thời gian tới.
Thứ hai, sau khi Trung Quốc công bố Luật Hải cảnh, chính quyền Biden cử ngay nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt đến Biển Đông để tiến hành hoạt động đảm bảo tự do trên biển, xây dựng quan hệ đối tác thúc đẩy an ninh hàng hải và tiến hành nhiều hoạt động. Đây được coi là động thái đáp trả của Washington trước quyết định công bố Luật Hải cảnh của Bắc Kinh.
Thứ ba, Tổng thống Joe Biden đã chọn nhà ngoại giao kỳ cựu Kurt Campbell làm quan chức cấp cao của ông về chính sách châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có mối quan hệ với Trung Quốc. Kurt Campbell là nhà ngoại giao chiến lược từ thời Tổng thống Barack Obama. Ông Kurt Campbell tán thành chính sách cứng rắn của ông Donald Trump đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, cách tiếp cận trong vấn đề với Trung Quốc dưới thời Biden sẽ có nhiều điểm khác biệt so với chính quyền Trump.
Ba điều trên chứng tỏ chính quyền ông Biden sẽ có những phản ứng cứng rắn lại với Trung Quốc trong thời gian tới.
- Ông dự báo thế nào về tình hình Biển Đông trong thời gian tới?
Tình hình Biển Đông trong thời gian tới sẽ vô cùng căng thẳng. Tuy nhiên, khả năng đối đầu quân sự vẫn chưa thể xảy ra, các bên vẫn phải kiềm chế lẫn nhau. Cho nên, cuộc chiến căng thẳng về pháp lý vẫn sẽ được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, Mỹ và Trung Quốc có thể tăng cường các hoạt động tập trận quân sự, phô diễn sức mạnh quân sự trên khu vực Biển Đông mặc dù chưa quốc gia nào muốn nhảy vào cuộc xung đột quân sự.
- Đứng trước bối cảnh đó, Việt Nam cần phải làm gì để tranh thủ thời cơ, nắm lấy cơ hội trong bảo vệ chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông, thưa ông?
Trong thời gian vừa qua, Việt Nam cũng đã có những bước tiến thích hợp. Việc cần làm là duy trì thành công đã làm được, khéo léo cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Việt Nam cần nâng cao năng lực phòng thủ của chính mình, trong đó có lực lượng cảnh sát biển và hải quân để đề phòng trường hợp xấu nhất.
Nền quốc phòng của chúng ta là nền quốc phòng tự vệ và Việt Nam chỉ tự vệ khi có sự nguy hiểm. Chúng ta cũng cần theo dõi tiếp diễn biến và thúc đẩy quan hệ ngoại giao đa phương, quốc tế hóa và đặc biệt là nâng cao vai trò của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
- Xin cảm ơn ông!