Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung Quốc trang bị UAV tàng hình nào cho tàu sân bay tương lai?

(VTC News) -

Dù chưa đưa vào vận hành nhưng Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm các dòng máy bay chiến đấu và UAV trên tàu sân bay Phúc Kiến.

Theo Drive, từ ảnh chụp vệ tinh một mô hình tàu sân bay của Trung Quốc tại thành phố Vũ Hán gần đây cho thấy, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ trang máy bay tấn công không người (UAV) GJ-11 Sharp Sword cho tàu sân bay Phúc Kiến.

Cũng theo bức ảnh vệ tinh trên, trên mô hình tàu sân bay còn có các máy bay chiến đấu khác như tiêm kích trên hạm J-15, tiêm kích tàng hình J-35.

Nếu Trung Quốc đưa vào trang bị đồng thời cả ba dòng máy bay trên cho Phúc Kiến thì đây sẽ bước tiến lớn đối với hải quân nước này. Bởi ngay cả Mỹ dù sở hữu hạm đội tàu sân bay hạt nhân hùng mạnh nhưng vẫn chưa có đủ bộ ba máy bay như Trung Quốc trên tàu sân bay.

Mô hình tàu sân bay ở Vũ Hán với các máy bay thử nghiệm, trong đó có cả một UAV có thiết kế tương tự GJ-11.

Mô hình tàu sân bay của Trung Quốc được sử dụng để đánh giá khả năng hoạt động của máy bay trên biển, bao gồm cả việc chúng sẽ di chuyển trên boong tàu sân bay như thế nào. Công việc liên quan đến phát xạ vô tuyến và các thử nghiệm khác cũng được thực hiện tại cơ sở này.

Có vẻ như sự xuất hiện của một chiếc máy bay trên mô hình tàu sân bay ở Vũ Hán là dấu hiệu báo trước cho việc nó tiến tới giai đoạn bay thử nghiệm trước khi cuối cùng lên tàu sân bay thực sự vào thời điểm thích hợp.

Mặc dù mô hình tàu sân bay đã trải qua một số thay đổi và nâng cấp nhưng giờ đây nó được hiểu là mô phỏng theo Phúc Kiến – tàu sân bay mới nhất của hải quân Trung Quốc và chiếc đầu tiên trong lớp này.

Điểm đặc biệt là Phúc Kiến sẽ được trang bị máy phóng máy bay cho phép các máy bay như J-35 và GJ-11 có thể hoạt động từ nó với tổng trọng lượng phù hợp và máy bay cảnh báo sớm KJ-600 có thể bay từ con tàu này. Việc thử nghiệm máy phóng trên tàu sân bay Phúc Kiến cũng đã được khởi động vào đầu tháng 12/2023.

Mối liên hệ giữa GJ-11 và Phúc Kiến đã được đồn đoán trong thời gian trước đây khi UAV này tiến hành các thử nghiệm trên biển vào năm 2019. Sau đó truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin UAV này sẽ hoạt động trên các tàu sân bay của nước này trong vai trò trinh sát.

UAV GJ-11 được giới thiệu trong một lễ duyệt binh của Trung Quốc.

Trước đó hải quân Trung Quốc cũng đã bắt đầu thử nghiệm các máy bay không người lái nhỏ hơn nhiều trên tàu sân bay mà không cần máy phóng và thiết bị hãm. Nhiều ví dụ về ít nhất hai loại máy bay không người lái thương mại hoặc phiên bản thương mại khác nhau có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng đã được vận hành từ boong  tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế của GJ-11 dành cho hải quân hoặc một thiết kế tương tự, đòi hỏi phải có một tàu sân bay boong lớn được trang bị máy phóng như Phúc Kiến trong tương lai. Đã có một số thảo luận về việc Trung Quốc đang muốn vận hành máy bay không người lái tàng hình từ Type 075 – lớp tàu tấn công đổ bộ tiên tiến của nước này nhưng vẫn chưa có thông tin rõ rang.

Một phiên bản hải quân của GJ-11 có thể mang lại những khả năng mới mạnh mẽ cho lực lượng không quân trên tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai, không chỉ về năng lực tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) không vũ trang mà còn về khả năng tấn công và điện tử.

GJ-11 được cấu hình ISR sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận của cảm biến và nâng cao nhận thức cũng như khả năng sát thương của nhóm tấn công tàu sân bay. Tính năng tàng hình của nó cũng sẽ cho phép nó tiếp cận gần hơn các mục tiêu. Trong khi đó, một số trong số chúng có thể làm việc cùng nhau để chuyển tiếp thông tin (bao gồm cả dữ liệu về mục tiêu tấn công) thông qua liên kết dữ liệu nội bộ.

Tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Có thể thấy con tàu này được trang bị tới ba máy phóng máy bay.

Việc sở hữu một máy bay không người lái tàng hình trên tàu sân bay có khả năng tiếp cận các mục tiêu có mức độ ưu tiên cao - đặc biệt là các nhóm tấn công tàu sân bay của hải quân Mỹ và các tàu đồng minh khác và cung cấp dữ liệu về mục tiêu gần như theo thời gian thực sẽ là một động lực lớn cho chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc.

Trong kịch bản như vậy, GJ-11 hoạt động trên tàu sân bay có thể cung cấp dữ liệu mục tiêu cho cả tên lửa đạn đạo chống hạm và tên lửa hành trình chống hạm tầm xa cũng như máy bay tấn công có người lái.

Tuy nhiên, điều quan trọng đối với quân đội Trung Quốc lúc này là làm thế nào một UAV như GJ-11 có thể cho phép phát triển và hoàn thiện một khái niệm hoàn toàn mới về hoạt động của máy bay không người lái bán tự động trên tàu sân bay.

Trong quá khứ, Trung Quốc đã chứng tỏ rằng họ rất tiên tiến trong một số công nghệ liên quan đến máy bay không người lái. Việc tích hợp máy bay không người lái tàng hình vào phi đội tàu sân bay sẽ yêu cầu thiết kế tàu sân bay mới, với một loạt yêu cầu cất cánh và phục hồi hoàn toàn mới, sẽ là một thách thức không hề nhỏ. Nhưng nếu Trung Quốc thành công, rất có thể mọi nỗ lực về khả năng mang tính cách mạng mà nó có thể mang lại sẽ có giá trị, đồng thời mở đường cho những hình thức tác chiến trên biển tiên tiến hơn trong tương lai.

Trà Khánh (Nguồn: Drive)

Tin mới