Vào lúc 23h08 ngày 29/11 (theo giờ địa phương), Trung Quốc phóng tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-15 bằng lửa đẩy Trường Chinh-2F Y15 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi tỉnh Cam Túc, miền Tây Bắc nước này, đưa 3 phi hành gia lên trạm vũ trụ.
Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) tuyên bố vụ phóng thành công sau khi tàu Thần Châu-15 tách khỏi tên lửa và đi vào quỹ đạo định sẵn khoảng 10 phút sau khi phóng, đánh dấu việc nước này đã hoàn thành toàn bộ 12 nhiệm vụ phóng trong giai đoạn xác minh công nghệ và xây dựng trạm vũ trụ.
Trung Quốc phóng tàu Thần Châu-15. (Ảnh: Chinanews)
Ông Quý Khởi Minh, người phát ngôn Chương trình vũ trụ có người lái Trung Quốc, cho biết: “Đây là sứ mệnh phóng thứ sáu của Chương trình vũ trụ có người lái Trung Quốc trong năm nay, cũng là sứ mệnh cuối cùng trong giai đoạn xây dựng trạm vũ trụ. Phi hành đoàn sẽ làm việc và sinh sống trên quỹ đạo 6 tháng.
Mục đích chính của sứ mệnh lần này là xác minh khả năng hỗ trợ luân chuyển giữa các phi hành đoàn của trạm vũ trụ, với lần đầu tiên thực hiện việc thay 2 tốp phi hành gia ngay trên quỹ đạo”.
Phi hành đoàn Thần Châu-15 sẽ bàn giao với 3 phi hành gia của tàu Thần Châu-14 đã ở trên trạm vũ trụ từ đầu tháng 6 trong khoảng một tuần và dự kiến quay trở về Trái Đất vào tháng 5/2023. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ phóng này, dự án trạm vũ trụ của Trung Quốc sẽ chuyển sang giai đoạn ứng dụng và phát triển kéo dài hơn một thập kỷ.
Tháng 4/2021, Trung Quốc bắt đầu xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên mang tên Thiên Cung gồm ba mô-đun, với việc phóng mô-đun lõi Thiên Hòa, nơi sinh sống chính của các phi hành gia, lên không gian.
Cuối tháng 7 và 10/2022, nước này tiếp tục phóng hai mô-đun phòng thí nghiệm có tên Vấn Thiên và Mộng Thiên, nơi các thí nghiệm khoa học sẽ được thực hiện. Việc hoàn thành trạm vũ trụ, được thiết kế có tuổi thọ ít nhất 10 năm, sẽ là một cột mốc quan trọng trong chương trình không gian của Trung Quốc.
Với việc trạm vũ trụ quốc tế (ISS) của NASA dự kiến sẽ ngừng hoạt động từ năm 2025, Thiên Cung - trạm vũ trụ được xây dựng với tốc độ nhanh nhất của Trung Quốc - sẽ là trạm vũ trụ duy nhất trong không gian. Việc hoàn thành xây dựng trạm vũ trụ này sẽ giúp mở ra một kỷ nguyên mới trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vũ trụ ở Trung Quốc.