Ngay từ khi công bố tập trung toàn bộ nguồn lực cho phát triển xe điện, VinFast bắt tay vào xây dựng mạng lưới các trạm sạc giá trị hàng trăm triệu USD. Trong thời gian ngắn trạm sạc cho xe điện của VinFast phủ sóng khắp 63 tỉnh thành.
Kết quả này được kiểm chứng vào tháng 3/2022, hai chiếc xe VinFast VF e34 hoàn thành thành trình xuyên Việt. Khởi hành từ Hà Nội, lăn bánh trên 1.970 km, trải qua 11 lần dừng để sạc pin và tranh thủ nghỉ ngơi, hai chiếc xe điện đã tới TP.HCM sau 48 giờ.
Các trạm sạc điện của VinFast.
Giải bài toán kép về trạm sạc
Đặt trạm sạch ở 63 tỉnh thành là thành công bước đầu ở việc “phủ rộng” trạm sạc cho xe điện. Bài toán không dừng lại tại đó, bởi nhu cầu sử dụng xe điện tại mỗi nơi là khác nhau. Cũng giống như hầu hết các dòng ô tô nói chung, thông thường, tỷ lệ sử dụng xe điện tại các thành phố lớn và những khu vực trung tâm sẽ cao hơn, yêu cầu nhiều hơn về số lượng trạm sạc.
Từ lý do đó, sau khi “phủ rộng” mạng lưới trạm sạc khắp cả nước, VinFast tiếp tục hướng đến mục tiêu thứ hai là “phủ dày”. Tính đến nay, hệ thống trạm sạc công cộng của hãng xe Việt có mặt tại 80/85 thành phố trên cả nước. Khoảng cách giữa 2 trạm sạc tại khu vực thành phố không quá 3,5 km.
Hệ thống trạm sạc của VinFast hiện được triển khai trên 106 tuyến quốc lộ và cao tốc, với nhiều loại công suất, từ sạc thường đến sạc siêu nhanh, giúp cho việc di chuyển đường dài, liên tỉnh bằng xe điện trở nên rất đơn giản và thuận tiện.
Còn tại thành phố và khu vực trung tâm, khách hàng dễ dàng tìm được trạm sạc ở khắp nơi, từ các bãi đỗ xe công cộng, trung tâm thương mại cho đến chung cư, tòa văn phòng.
Kết hợp thêm với việc sử dụng bộ sạc tại nhà, chủ nhân xe điện VinFast có thể yên tâm sử dụng xe trên mọi hành trình khắp mọi miền Tổ quốc. Đây là lợi thế vô cùng lớn của hãng xe Việt trước những đối thủ khác cũng đang rục rịch giới thiệu các dòng xe điện tại Việt Nam nhưng lại chưa thể giải “bài toán kép” về trạm sạc.
Việt Nam dẫn đầu hạ tầng xe điện
Sự đầu tư của VinFast vào hệ thống trạm sạc cho thấy tầm nhìn chiến lược và lâu dài trong việc phát triển xe điện tại thị trường Việt Nam. Điều này cũng thể hiện tầm vóc toàn cầu của hãng xe điện Việt, khi nhìn ra thế giới, việc xây dựng hạ tầng trạm sạc cho xe điện vẫn chỉ đang ở bước khởi đầu.
Ví dụ, Mỹ vốn được xem là quốc gia đi đầu trong việc phát triển xe điện và là nơi có hạ tầng tốt. Thế nhưng, Mỹ cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xung quanh bài toán trạm sạc. Một trong số đó là việc đáp ứng nhu cầu sạc xe điện tại các thành phố lớn, khu vực trung tâm hay đặc biệt là tại các căn hộ chung cư, tòa nhà cao tầng… bởi mật độ sử dụng xe điện ở đây rất cao.
Để thúc đẩy lắp đặt trạm sạc trong chung cư, đến nay trên 10 tiểu bang ở Mỹ thông qua Đạo luật về Quyền sạc điện (Right To Charge). Luật quy định khác nhau tùy theo tiểu bang, nhưng tất cả đều cấm chủ sở hữu tòa nhà và Hiệp hội chủ sở hữu nhà (HOA) ngăn cản cư dân lắp đặt, sử dụng bộ sạc xe điện tại chung cư, đồng thời luật cũng nêu rõ các yêu cầu lắp đặt bộ sạc đúng tiêu chuẩn quy định.
Trong khi đó, tại châu Âu - thị trường xe điện lớn thứ hai thế giới, nước Anh ban hành quy định xây dựng sửa đổi về việc lắp đặt các điểm sạc xe điện hoặc các tuyến cáp, hiệu lực từ tháng 6/2022. Trong đó có các yêu cầu mới như: mỗi khu nhà mới có bãi đậu xe đều phải có điểm sạc xe điện, các khu dân cư có trên 10 chỗ đậu xe phải có ít nhất một bộ sạc xe điện.
Tại Na Uy, nơi được ví như "thủ phủ" xe điện của châu Âu, từ 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã ra quy định yêu cầu phải phân bổ tối thiểu 6% khu vực sạc cho ô tô điện trong các tòa nhà và bãi đỗ xe mới.
Tại Singapore, việc sạc xe điện gần như phụ thuộc hoàn toàn vào trạm sạc công cộng.
Ở khu vực châu Á, Singapore là nước có nhiều điểm tương đồng với các thành phố lớn tại Việt Nam, khi phần lớn trong số 5,4 triệu dân đang sống trong các khu chung cư cao tầng. Vì vậy, việc sạc xe điện gần như phụ thuộc hoàn toàn vào trạm sạc công cộng. Chính phủ Singapore đang nỗ lực để đạt được mục tiêu phủ 40.000 cổng sạc công cộng vào năm 2030.
Một trong những giải pháp được Chính phủ Singapore đưa ra là ban hành luật sạc xe điện, trong đó yêu cầu các tòa nhà mới xây dựng phải lắp đặt bộ sạc tại ít nhất 1% trong tổng số chỗ đỗ xe. Cùng với đó là quy định về hạ tầng điện cũng cần đáp ứng đủ tải.
Có thể thấy, nhìn rộng ra bức tranh toàn cầu, Việt Nam đang nằm trong nhóm nước dẫn đầu về hạ tầng trạm sạc cho xe điện. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới cũng đang có những bài học giá trị để tăng tốc phát triển trạm sạc. Nếu có thể kết hợp tốt giữa ưu thế hiện tại và các bài học từ thế giới, Việt Nam sẽ có những bước phát triển đột phá về giao thông xanh với hạt nhân là xe điện trong thời gian tới.