Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trải nghiệm xuyên rừng quốc gia Cát Bà

(VTC News) -

Chuyến đi bộ xuyên rừng tìm về làng chài Việt Hải hoang sơ ở Vườn quốc gia Cát Bà sẽ là trải nghiệm mạo hiểm lý tưởng cho hè này.

Nói đến Cát Bà, người ta thường nghĩ ngay đến vẻ đẹp của hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ nằm trên làn nước trong xanh của vịnh Lan Hạ. Thế nhưng, Cát Bà không chỉ có biển mà còn có núi.

Rừng quốc gia Cát Bà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và được bảo tồn nghiêm ngặt.

Rừng Cát Bà vẫn còn giữ nguyên được nét hoang sơ với rất nhiều cây rừng nguyên sinh và một thảm động thực vật phong phú, nhiều loài vọoc có tên trong sách đỏ.

Cát Bà không chỉ có biển mà còn có núi.

Mặc dù đã đến với Cát Bà rất nhiều lần nhưng lần này tôi vẫn thấy háo hức trước chuyến khám phá Cát Bà theo một cách hoàn toàn mới - trải nghiệm theo kiểu bán sinh tồn, chỉ mang theo nước ngọt và một số vật dụng thiết yếu, đồ ăn sẽ tự kiếm trong rừng.

Chúng tôi xuất phát từ khu vực gần cổng vườn quốc gia Cát Bà, xuyên qua rừng quốc gia và kết thúc ở làng chài Việt Hải, trước khi di chuyển bằng thuyền về lại thị trấn Cát Bà.

Làng Việt Hải – đích đến của chuyến đi.

Xuất phát từ trung tâm thành phố, chúng tôi di chuyển bằng xe máy tới bến phà Gót. Sau khi qua phà, cả nhóm tiếp tục di chuyển tới điểm xuất phát gần lối vào rừng quốc gia, gửi xe và những vật dụng không cần thiết, nai nịt gọn gàng rồi xuất phát.

Mỗi người được trang bị khoảng 1,5 lít nước, găng tay loại dệt, giày bộ đội và các vật dụng cá nhân khác bỏ gọn trong balo. Đúng 9h chúng tôi bắt đầu trek, điểm đến đầu tiên là bãi cạn, nơi chúng tôi kiếm đồ ăn cho bữa trưa và bữa tối. 

Chúng tôi nai nịt gọn gàng trước khi xuất phát.

Quãng đường không dài nhưng độ dốc khá cao và không có bậc đá nên khá khó nhằn. Nhiều chỗ chúng tôi phải bám vào vách đá để leo lên, đá ở đây là dạng đá mắc ma giống đá tai mèo ở Hà giang với nhiều cạnh nhọn sắc, rất dễ trầy xước tay.

Thỉnh thoảng, một con rắn hay một con rết lao nhanh qua trước mặt khiến một bạn nữ nào đó trong nhóm thét ré lên.

Quãng đường không dài nhưng khá khó nhằn vì độ dốc cao.

Những vách đá tai mèo nhọn sắc làm chúng tôi liên tưởng đến Hà Giang.

Rừng ở đây còn rất hoang sơ, hầu như không có dấu chân người. Âm thanh của núi rừng, tiếng chim kêu, vượt hót, ve kêu râm ran, khác hẳn với những âm thanh ồn ã của thành phố.

Sau khoảng hơn 1 giờ trekking, vượt qua 2 eo núi, biển hiện lên với một màu xanh mát ở phía xa, khiến bao mệt mỏi như tan biến. 

Biển hiện lên với một màu xanh mát ở phía xa.

 

Điểm đến tiếp theo là bãi Cạn - một eo biển ăn sâu vào đất liền - nó giống như một con lạch thông với biển, vào lúc triều xuống, nước rút lộ ra bãi cát lẫn bùn, chỉ sâu đến đầu gối, nhưng lúc triều lên có thể sâu tới 2-3 m.

Lúc chúng tôi đến, nước đang cạn nhất, bãi cát lộ ra mới đủ loại đặc sản của biển mà chúng tôi sẽ thu thập cho bữa trưa và bữa tối của mình như ngao, sò, vẹm, điềm điệp, ghẹ, còng, hầu, ốc và đôi khi có cả những con sam.

Eo biển nơi chúng tôi bắt hải sản cho bữa trưa.

Cả nhóm lội bì bõm trong bùn ngập đến mắt cá chân, vừa lội vừa nhặt hải sản. Các loài ngao, sò nằm lộ ngay trên mặt bùn, quéo (vẹm) lại lặn phía dưới, chỉ nhô chút xíu phần đầu lên để thở trông như các mô đất nhỏ, còn điềm điệp thì lại thích sống ở các khe suối đổ ra biển, ốc và hàu bám ở vách đá... Chỉ khoảng 1h  túi đứa nào đứa nấy đã căng phồng những sản vật của biển.

Vẹm đen – một trong những loại hải sản chúng tôi bắt được.

Điềm điệp thường sống ở các khe suối đổ ra biển.

Chúng tôi nhanh chóng lội qua eo biển vì nước đang lên, lúc này chỗ sâu nhất đến đùi, các đôi giày được buộc chặt để tránh tuột khi lội nước, điện thoại và ví bỏ hết vào balo, dù vậy vẫn có sự cố xảy ra khi một bạn nữ trong nhóm bị trượt chân ngã ướt hết.

Chúng tôi nhanh chóng lội qua eo biển khi nước đang lên.

Qua bờ bên kia, chúng tôi dừng lại tại một khe suối nhỏ, chia nhau người rửa hải sản, người kiếm củi nhóm bếp. Chỉ 30 phút sau đồ ăn đã sẵn sàng với các món ngao, sò, vẹm hấp và hàu ăn gỏi chấm với tương ớt và hành phi chuẩn bị từ trước.

Thật thú vị khi thưởng thức bữa trưa do chính tay mình kiếm được!

 Bữa trưa thịnh soạn do chính tay mình bắt được.

Ăn xong cả nhóm nghỉ lại trong bóng mát của các tán cây trước khi bắt đầu quãng leo núi thứ 2.

Đoạn trek buổi chiều có vẻ dễ thở hơn hồi sáng, do địa hình ít dốc hơn.

Đoạn trek buổi chiều dễ thở hơn.

Sau khi vượt qua 3 quả đồi nhỏ thì chúng tôi tới dòng suối cạn, từ dây chúng tôi đi dọc theo lòng suối, địa hình thoải và dễ đi hơn, tuy nhiên việc lội bùn là không thể tránh khỏi.

Có những đoạn, chúng tôi di chuyển trong lòng suối cạn

Dọc theo suối, có rất nhiều cá trong những khe suối cạn, phần lớn là cá đối. Tìm được mảnh lưới ai đó để lại ven suối, chúng tôi chế thêm gậy xiên cá từ tre nứa rồi bắt đầu kiếm thêm cá bổ sung cho thực đơn tối.

Có rất nhiều cá trong những khe suối cạn.

Chế xiên từ tre để xiên cá suối.

Địa điểm cắm trại gần giếng nước ngọt.

Cả nhóm trút đồ xuống rồi tranh thủ rửa ráy, thay đồ. Từ sáng đến giờ hết lội bùn lại đến chui rừng nên đứa nào đứa ấy mồ hôi nhễ nhại, quần áo bê bết bùn đất. Cả nhóm chia nhau mỗi người một việc. Người dựng lều, kẻ kiếm củi, rửa đồ ăn, đứa lại chạy vào ven rừng hái ít quất, rau rừng và nấm

Quất rừng chúng tôi vặt từ cây quất cổ thụ gần đó.

Trời nhập nhoạng tối thì lửa cũng được nhóm lên, bên ánh lửa bập bùng chúng tôi bắt đầu bữa tiệc với những món hải sản bắt hồi sáng, thêm món cá suối nướng.

Bữa tối có cá suối nướng.

Buổi tối ngủ trong rừng có cảm giác là lạ và thú vị, tiếng ve lẫn tiếng dế như những bản hòa tấu, thỉnh thoảng lũ vượn lại hú lên như tiếng hát xa.

Sáng, chúng tôi dậy sớm, thu dọn đồ đạc, vượt qua một eo núi nhỏ và đổ bộ vào làng chài Việt Hải. Khung cảnh ở đây thật yên bình, những chú bò bình thản gặm cỏ trên cánh đồng xanh mướt, những ngôi nhà nho nhỏ nằm bên vườn cây ăn trái, đây đó một vài khách nước ngoài đạp xe ngắm cảnh...Nhóm dạo một vòng quanh làng rồi lên xe điện ra bến đò Việt Hải.

Bến đò Việt Hải.

Tại bến, cả bọn lên thuyền đã đặt trước và bắt đầu một trải nghiệm hoàn toàn khác: Tham quan vịnh Lan Hạ, tắm biển, lặn ngắm san hô, ăn trưa trên thuyền với hải sản, thăm thú đảo hoang, chui hang đá, đục hàu đá ăn…

16h chúng tôi về lại bến Bèo, lấy xe máy và quay trở lai thành phố, kết thúc một cung đường hết sức thú vị.

Một số lưu ý khi trek xuyên rừng:

- Mặc quần áo dài tay để chống muỗi, chống nắng và cây cối, vách đá làm xước tay chân.

- Đi loại giày bộ đội hoặc giày trek cao cổ, giây giày buộc thật chặt để lội bùn không bị tuột, bạn sẽ không muốn vừa lội nước vừa mò giày của mình đâu.

- Mang theo dao rừng để phạt cây, kiếm đồ ăn.

- Tìm hiểu kỹ địa hình trước khi đi, tốt nhất có người đi tiền trạm, hoặc thuê một người dân địa phương dẫn đường (potter) nếu bạn không chắc chắn.

- Lưu ý lịch thủy triều lên xuống để vượt bãi cạn, tìm hiểu lịch đò và phà chạy để lên lịch cho phù hợp.

Lịch trình gợi ý

- Ngày 1: Trek xuyên rừng quốc gia Cát Bà, tối ngủ làng Việt Hải.

- Ngày 2: Thăm thú làng Việt Hải, book tour vịnh Lan Hạ (khoảng 700.000 đồng/người bao gồm bữa trưa) bơi lặn, bữa trưa hải sản, tham quan vịnh, ngắm san hô, khám phá bãi hoang…

Hoàng Thuận

Tin mới