Chính quyền Papua New Guinea mới đây đã yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ thông tin cho rằng các công nhân của họ trước khi đến làm việc tại Papua New Guinea đã được tiêm vaccine thử nghiệm ngừa COVID-19.
Vaccine thử nghiệm ngừa COVID-19 của công ty sinh học Trung Quốc Sinovac. Ảnh: ABC.
Theo thông tin được báo điện tử Người Australia trích dẫn, trong công hàm được chính quyền Papua New Guinea gửi đến Đại sứ Trung Quốc tại nước này ngày hôm qua (20/8), Papua New Guinea đã yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc làm rõ các thông tin bao gồm: Lý do phía Trung Quốc không thông báo cho chính quyền địa phương về việc thử nghiệm vaccine COVID-19 đối với các công nhân của công ty Ramu Nickel trước khi họ đến Papua New Guinea; Các bằng chứng cho thấy số công nhân này tự nguyện tham gia thử nghiệm vaccine và chương trình thử nghiệm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; Việc phát triển và chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 được thực hiện tại Trung Quốc; các rủi ro tiềm ẩn nếu có và quy trình chăm sóc sức khỏe đối với số công nhân này nếu họ cần phải nhập viện.
Cũng trong ngày hôm qua, người đứng đầu cơ quan kiểm soát dịch bệnh Papua New Guinea, ông David Manning, đã ban hành lệnh cấm thử nghiệm vaccine COVID-19 chưa được cấp phép tại nước này, đồng thời không cấp phép cho một chuyến bay chở 180 công nhân Trung Quốc nhập cảnh Papua New Guinea.
Cũng theo truyền thông Australia, 48 công nhân khai mỏ người Trung Quốc làm việc cho công ty Ramu Nickel thuộc sở hữu của Trung Quốc đã được tiêm ngừa vaccine COVID-19 vào ngày 10/8 trước khi đến Papua New Guinea để làm việc. Số công nhân này được khuyến cáo không xét nghiệm COVID-19 ít nhất 7 ngày sau khi tiêm chủng nếu không sẽ nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với căn bệnh này.
Tờ Người Australia cũng cho biết, công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc được cho là đang tiến hành thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 tại một số quốc gia trên thế giới bao gồm Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Chile và Indonesia.
Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trong khoảng 1 tháng trở lại đây tại Papua New Guinea. Hiện nước này đã có 361 ca mắc và 4 người chết. Tuy nhiên, số ca nhiễm tại đây có thể còn cao hơn do nước này có hạ tầng y tế yếu kém và người dân không được xét nghiệm đầy đủ.