Mới đây, UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch về xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM, đáp ứng yêu cầu của cuộc "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
TP.HCM sẽ số hóa cơ sở dữ liệu hạ tầng giao thông thông qua các thiết bị chuyên dụng, trực tuyến.
Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành 100% chuyển đổi số toàn diện nghiệp vụ của tất cả các đơn vị quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu giao thông vận tải, kết nối và chia sẻ với cơ sở dữ liệu lớn của ngành giao thông vận tải.
TP.HCM sẽ áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng, quản lý vận hành và bảo trì công trình giao thông. Đồng thời, ứng dụng phổ biến công nghệ và vật liệu tiên tiến trong xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Nguồn nhân lực bảo đảm làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bố trí đầy đủ nguồn kinh phí phục vụ cho công tác quản lý bảo trì hàng năm theo nhu cầu và theo quy trình bảo trì công trình.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM rà soát, sửa đổi, bổ sung quy trình thực hiện theo hướng ứng dụng công nghệ số một cách toàn diện trong xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì.
Xây dựng, sửa đổi và bổ sung hoàn thiện cơ chế chia sẻ dữ liệu giao thông vận tải, quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giữa các sở, ban, ngành thành phố. Đồng thời, tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quản lý kết cấu hạ tầng giao thông của lĩnh vực đường bộ, đường sắt đô thị, đường thủy nội địa được tích hợp trong cơ sở dữ liệu chung của thành phố.
Kết nối liên thông cơ sở dữ liệu giữa các ngành, giữa thành phố và Trung ương. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung - ứng dụng GIS: Xây dựng khi cơ sở dữ liệu dùng chung trong quản lý công trình thi công, rào chắn, các công trình dự kiến, số liệu cầu, đường bộ, hệ thống biển báo.
Quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường thủy, ứng dụng công nghệ mới trong việc thu thập dữ liệu giao thông theo thời gian thực, phục vụ tổ chức và điều hành giao thông, số hóa cơ sở dữ liệu hạ tầng giao thông thông qua các thiết bị chuyên dụng, trực tuyến.
Bên cạnh đó, nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng thiết bị, máy móc tự động hóa, robot hóa trong các dây chuyền thi công khép kín. Ưu tiên sử dụng các công nghệ mới, công nghệ nano, kết cấu và vật liệu tiên tiến có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tốt, nhẹ, cường độ cao, bền vững và thân thiện môi trường.