Tại Họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho hay, một số trường học hiện nay thiếu giáo viên ở một số môn như ngoại ngữ, tin học và các môn nghệ thuật như âm nhạc, ngoại ngữ ở chương trình THPT.
Việc thiếu giáo viên ngoại ngữ, tin học diễn ra ở trường học tại một số quận, huyện vùng xa như Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn... còn thực trạng thiếu giáo viên môn nghệ thuật diễn ra ở nhiều trường tại TP.HCM.
"Vấn đề thiếu giáo viên ở TP.HCM liên quan đến nguồn đào tạo và việc lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên. Với các sinh viên học ngoại ngữ và tin học ở các trường đại học, khi đặt giữa hai lựa chọn là đi dạy và làm ngoài, thì nhiều sinh viên chọn làm ngoài. Ở các quận, huyện ở xa như Bình Chánh, Nhà Bè, lượng giáo viên ở hai môn học này còn ít hơn nữa", ông Hồ Tấn Minh cho hay.
Tình trạng thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học diễn ra ở TP.HCM.
Tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn học nghệ thuật (mỹ thuật, âm nhạc) diễn ra chủ yếu ở các trường THPT trên địa bàn thành phố. Đây là thực trạng của TP.HCM khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 dành cho khối 10 từ năm học tới.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định bậc THPT có hai tiết mỹ thuật, âm nhạc mỗi tuần. Tuy nhiên hiện nay TP.HCM không có giáo viên giảng dạy các môn này ở bậc THPT.
"Trước đây, chúng ta không mặn mà đào tạo các môn nghệ thuật, các nơi đào tạo nguồn nhân lực cho môn này thì người học lại không có nghiệp vụ sư phạm. Sở GD-ĐT TP.HCM đang phối hợp với các trường để đào tạo nguồn giáo viên, đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các nghệ sĩ đã có chuyên môn để tham gia đào tạo các môn nghệ thuật", ông Hồ Tấn Minh nêu giải pháp.
Đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển dụng (ngoại ngữ, tin học) nói chung và vị trí giáo viên môn mới (âm nhạc, mỹ thuật) nói riêng, Sở GD-ĐT hướng dẫn tất cả các đơn vị trực thuộc chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn (theo quy định tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế) với điều kiện đặt ra các trường hợp này phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với cấp học.
Số học sinh tăng nhanh gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Trong năm học 2022-2023, TP.HCM dự kiến tăng 21.825 học sinh (gồm: 15.282 công lập và 6.543 ngoài công lập), chia ra theo cấp học: mầm non (tăng 6.587 học sinh), Tiểu học (giảm 11.184 học sinh), THCS (giảm 13.661 học sinh), THPT (tăng 12.761 học sinh).
Năm học 2021-2022, số học sinh không có hộ khẩu tại TP.HCM là 343.894. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (cấp tiểu học), học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm.
Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học. Việc gia tăng số học sinh nêu trên dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách thành phố.