Ngày 9/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ 43.000 binh lính nước này đã thiệt mạng kể từ khi xảy ra xung đột với Nga vào năm 2022. Tuy nhiên, ước tính hiếm hoi thấp hơn nhiều so với con số do Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đưa ra.
"Họ mất 400.000 binh lính một cách vô lý, cùng với đó là nhiều dân thường", ông Trump cho biết trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 8/12, ám chỉ tổn thất quá lớn của Ukraine.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ con số ông Trump đưa ra có tính đến những người lính bị thương hay không. Ông Zelensky cho biết có 370.000 trường hợp "hỗ trợ y tế cho những người bị thương" trên chiến trường và một nửa con số này đã trở lại phục vụ quân đội sau khi bình phục.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tưởng niệm những người thiệt mạng trong cuộc xung đột với Nga. (Ảnh: EPA-EFE)
Trong bài đăng trên Truth Social ngày 8/12, ông Trump cũng đưa ra ước tính về thương vong của Nga trong cuộc chiến kéo dài gần ba năm.
Nga chưa công bố con số chính thức về tổn thất, nhưng dựa trên những dữ liệu công khai, một số hãng truyền thông ước tính Nga mất hơn 82.000 binh sĩ. Một số nhà phân tích tin rằng con số thực tế ở cả hai phía có thể cao hơn nhiều.
Theo ông Trump, Ukraine muốn đạt được một thỏa thuận để chấm dứt xung đột với Nga, đồng thời kêu gọi hai bên ngừng bắn và đàm phán.
"Cần phải có lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các cuộc đàm phán nên bắt đầu. Quá nhiều người mất mạng vô nghĩa, quá nhiều gia đình tan vỡ. Nếu tình trạng này tiếp diễn, nó có thể leo thang thành điều gì đó lớn và tồi tệ hơn rất nhiều", ông Trump viết.
Mặc dù chính phủ Ukraine không phủ nhận việc tìm kiếm hòa bình, nhưng họ nhiều lần nhấn mạnh cần phải có những đảm bảo ý nghĩa từ các đồng minh, đứng đầu là Mỹ.
"Khi chúng ta nói về hòa bình với Nga, trước tiên chúng ta phải nói về những đảm bảo hiệu quả cho hòa bình", ông Zelensky cho biết trong một bài đăng trên X ngày 8/12.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng cuộc chiến "không thể chỉ kết thúc bằng một tờ giấy và một vài chữ ký", nhấn mạnh "một lệnh ngừng bắn không được bảo đảm có thể tái khởi động bất cứ lúc nào".
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng phản hồi bài đăng trên mạng xã hội của ông Donald Trump, lần nữa nhấn mạnh Moskva sẵn sàng đàm phán nhưng nhắc lại "các điều kiện" được Tổng thống Nga Putin nêu ra vào tháng 7.
Ông Peskov cho biết điều đó bao gồm "việc tính đến những thực tế đang diễn ra trên thực địa", vào thời điểm lực lượng Nga đang có những bước tiến ổn định qua các khu vực miền đông Ukraine.
Theo dữ liệu công khai, lực lượng Nga kiểm soát gần 20% lãnh thổ Ukraine và tiến quân qua khu vực Donetsk trong hai tháng qua với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3/2022.
Trong phần lớn thời gian xung đột, lập trường chính thức của Kiev là yêu cầu Nga rút toàn bộ quân khỏi các lãnh thổ Ukraine được quốc tế công nhận, bao gồm cả Crimea, như một điều kiện để bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình.
Trong khi đó, Moskva cũng đưa ra những đòi hỏi nhượng bộ lớn từ Ukraine như một điều kiện để bắt đầu đàm phán. Viện trợ quân sự và các hỗ trợ khác của Mỹ là rất quan trọng đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tăng cường hỗ trợ cho Ukraine trước khi rời nhiệm sở.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 7/12 công bố gần 1 tỷ USD hỗ trợ vũ khí dài hạn cho Kiev, đồng thời có cuộc thảo luận với người đồng cấp Ukraine về tình hình xung đột và khả năng hỗ trợ quân sự của Mỹ.