Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tổng thống Pháp vẫn muốn gửi quân đến Ukraine, đồng minh NATO 'lắc đầu'

(VTC News) -

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cảnh báo các nước NATO không gửi quân, lo ngại về Thế chiến thứ ba.

Hôm 2/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái khẳng định quan điểm của mình từ đầu năm về việc gửi quân tới Ukraine trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Economist.

Phát biểu của ông từng gây ra làn sóng chấn động khắp châu Âu và giữa các đồng minh. Hầu hết các đồng minh của Pháp vào thời điểm đó cho biết họ sẽ không gửi bất kỳ lực lượng nào đi.

The Economist cho biết, ông Macron trả lời phỏng vấn sau khi có bài phát biểu mang tính bước ngoặt vào tuần trước, trong đó ông tuyên bố rằng châu Âu có thể "chết" một phần do chiến dịch của Nga tại Ukraine. “Tôi không loại trừ bất cứ điều gì, bởi vì chúng ta đang đối mặt với một bên không loại trừ bất cứ điều gì”, Tổng thống Pháp nói.

Tổng thống Pháp Macron khẳng định không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine. (Ảnh: AP)

Bình luận mới nhất của ông được đưa ra trong bối cảnh một số nhà phân tích tin rằng Nga có thể sắp phát động một cuộc tấn công lớn ở Ukraine. Nga hôm 2/5 cho biết họ đã chiếm được một ngôi làng khác ở miền đông Ukraine.

Tôi có một mục tiêu chiến lược rõ ràng: Nga không thể thắng ở Ukraine”, ông Macron giải thích thêm.

Bình luận về các phát biểu của Tổng thống Pháp, Hungary tỏ ra không đồng tình. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cảnh báo: “Nếu một thành viên NATO triển khai lực lượng bộ binh, đó sẽ là một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga và sau đó sẽ là Thế chiến thứ ba”. Hungary cũng phản đối việc các nước phương Tây tiếp tục viện trợ cho Ukraine.

Ngoại trưởng Hungary cảnh báo về nguy cơ Thế chiến thứ ba nếu NATO đưa quân trực tiếp đến Ukraine. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, đồng minh thân cận của Pháp tại NATO là Anh cũng nhận định tuyên bố của Tổng thống Pháp là một ý tưởng "nguy hiểm". Ngoại trưởng Anh David Cameron phản đối việc phương Tây đưa quân tới Ukraine, ngay cả khi làm nhiệm vụ huấn luyện. Tuy nhiên, ông cho biết Anh vẫn sẽ gửi thêm vũ khí cho Kiev.

Hồi tháng 2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tham gia dàn lãnh đạo NATO phản đối kịch liệt quan điểm của ông Macron về gửi quân đến Ukraine, nhấn mạnh trên mạng xã hội: “Rõ ràng là sẽ không có bộ binh từ các nước châu Âu hoặc NATO".

Các khoản đóng góp của các thành viên NATO cho đến nay vẫn được sử dụng để cung cấp đạn dược, thiết bị quân sự và bảo trì cho Ukraine, thay vì gửi quân vào lãnh thổ Ukraine. Cho đến nay, các tình nguyện viên nước ngoài đã hỗ trợ cả Nga và Ukraine trong cuộc chiến, nhưng không phải là một phần của bất kỳ hoạt động triển khai quân sự chính thức nào.

Về phía Nga, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 3/5 nói tuyên bố của Tổng thống Pháp "rất nguy hiểm", cáo buộc ông Macron liên tục nêu ra khả năng “tham gia trực tiếp trên thực địa vào cuộc xung đột xung quanh Ukraine”.

Thạch Anh (Tổng hợp)

Tin mới