Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Lebanon, ông Raoul Nehme, hôm 6/8 cho biết Lebanon đã phải liên hệ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để đề nghị hợp tác, theo TASS.
"Lebanon không có phương tiện tài chính để khắc phục hậu quả của vụ nổ ở Beirut. Chúng tôi đang yêu cầu cộng đồng quốc tế viện trợ. Thiệt hại do vụ nổ gây ra ước tính tới hàng tỉ USD. Chúng tôi sẽ cần thời gian để ước tính tổng thiệt hại", ông Raoul Nehme nói.
Vụ nổ ở cảng Beirut xảy ra trong bối cảnh Lebanon đang nằm trong một cuộc khủng hoảng tài chính sâu rộng kéo dài, cùng với sự tàn phá của dịch bệnh COVID-19 khiến cho quốc gia này trở nên kiệt quệ.
Tổng thống Macron thăm Lebanon. (Ảnh: Le Monde)
Đã có nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia khác lên tiếng muốn giúp đỡ Lebanon, trong đó phải kể đến IMF, Ngân hàng thế giới (WB), Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Sự giúp đỡ ban đầu bao gồm việc gửi vật tư y tế như thiết bị bảo vệ cá nhân, thuốc và thiết bị phẫu thuật cùng các kỹ thuật viên cứu hộ tới Beirut.
Ngoài ra, có hơn 20 quốc gia khác cũng đã chuyển thiết bị cứu trợ y tế cũng như thực phẩm đến cho nhân dân Lebanon.
Đáng chú ý là sự hỗ trợ của Pháp. Ngoài vật tư y tế, Pháp đã gửi 55 nhân viên an ninh, 6 tấn thiết bị y tế và khoảng 10 bác sĩ cấp cứu. Trong chuyến thăm chính thức hôm 7/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hứa trong chuyến thăm tới Beirut sẽ gửi thêm các khoản viện trợ cho y tế và các mặt hàng cứu trợ khác, theo AP.
Tuy nhiên, ông Macron đã gây tranh cãi không nhỏ khi có những phát biểu nhạy cảm. Khi thị sát trực tiếp hiện trường vụ nổ ở cảng Beirut, Tổng thống Pháp kêu gọi các bên tại Lebanon tiến hành những thay đổi triệt để để tái thiết đất nước.
“Các ý tưởng chính trị mạnh mẽ cần phải được thực hiện để đấu tranh chống tham nhũng, xây dựng sự minh bạch và tiến hành cải tổ như những gì đã làm từ hai năm qua trong khuôn khổ của chương trình Cedar. Đó là chống tham nhũng, cải cách năng lượng để ngăn chặn tình trạng cắt điện mà người dân Lebanon hiện đang phải đối mặt mỗi ngày. Cũng cần phải chống lại sự mờ ám trong hệ thống ngân hàng để có một sự kiểm toán minh bạch đối ngân hàng trung ương Lebanon”, ông Macron nhận định.
Pháp và Lebanon là hai nước có mối quan hệ đặc biệt trong nhiều thế kỷ. Theo một số nhà phân tích, việc đóng góp các sáng kiến cải cách của Tổng thống Pháp Macron là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, một số chính trị gia tại Pháp lại lên tiếng chỉ trích vị nguyên thủ của mình đang công khai can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của Lebanon.
Phát ngôn của ông Macron cũng được cho là nguyên nhân khiến người dân Beirut giận dữ, tổ chức biểu tình yêu cầu chính phủ từ chức. Cuộc biểu tình biến thành bạo loạn khi đám đông phóng hỏa, phá hoại các cửa hàng, ném đá vào lực lượng an ninh buộc các sĩ quan phải sử dụng hơi cay để giải tán.
Ít nhất 145 người chết và khoảng 5.000 người bị thương cùng hàng chục người mất tích sau vụ nổ kép ở kho chứa 2.700 tấn ammonium nitrat đêm 4/8, 300.000 mất nhà cửa, hàng chục tòa nhà và xe cộ bị tàn phá nặng nề.