Theo Guardian, mạng lưới điện ở Lebanon chỉ hoạt động 2-4 tiếng mỗi ngày. Đất nước này không có đèn giao thông. Nhiều tòa nhà trống rỗng hoặc bị bỏ hoang.
Phần lớn người dân Lebanon sống trong tình cảnh khó khăn. Năm ngoái, cuộc biểu tình chống chính phủ của người dân trên khắp đất nước khiến Thủ tướng Saad Hariri phải từ chức. Các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để nhận viện trợ của Lebanon bị đình trệ, dẫn đến giá trị của đồng tiền nước này sụt giảm đến 80%.
Siêu lạm phát phá hủy sức mạnh tiêu dùng của người dân Lebanon, ngoại trừ một nhóm ít người giàu. Ông Ali al Hassan, một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, bị giảm lương hưu từ 700 USD/tháng xuống còn 100 USD/tháng. Trong khi đó, giá bánh mì tăng 30%, thịt bị loại khỏi thực đơn hàng ngày
Trước dịch Covid-19, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính khoảng 50% dân số Lebanon sẽ trở nên nghèo khổ. Tình trạng hiện tại còn bi thảm hơn.
Ông Ali là một trong hàng nghìn người chứng kiến thu nhập rơi tự do trong vài tháng qua. Họ đến quảng trường Martyr (Beirut) để biểu tình phản đối đề xuất áp thêm thuế của chính phủ. Ban ngày, quảng trường là bãi đỗ xe. Nhưng đến buổi chiều, hàng nghìn người ở mọi lứa tuổi tới đây biểu tình phản đối chính phủ và các ngân hàng.
Đã có hai vụ tự tử diễn ra vào ngày 3/7. Một người đàn ông tự vẫn bằng súng trên vỉa hè bên ngoài rạp chiếu phim tại một trong những con đường đông đúc nhất Hamra. Một người khác tự sát gần thành phố Sidon, thành phố lớn thứ ba Lebanon. Cả hai vụ việc này đều do kiệt quệ tài chính.
Một người đàn ông bán máy phát điện cho các gia đình kể chính anh ta cũng chật vật kiếm sống. "Mọi người đều không đủ khả năng để chi trả", Guardian dẫn lời anh than thở.
Tháng trước, tôi phải chi 12 triệu lira (7.969 USD) để mua phụ tùng máy phát. Tháng này, tôi có khả năng lỗ 20 triệu lira (13.282 USD). Không thể tiếp tục như vậy, phải có cái gì đó thay đổi", anh tuyệt vọng.