Tình yêu không biên giới
Cụ Inga Rasmussen (85 tuổi) sống ở Đan Mạch. Cụ Karsten Hansen (89 tuổi) sống ở Đức. Biên giới hai nước bị đóng để hạn chế dịch bệnh lây lan, nhưng không thể ngăn cản tình yêu của hai người.
Hàng ngày, Rasmussen và Hansen ra biên giới gặp nhau trò chuyện, cùng tán gẫu, ăn trưa, chia nhau những miếng bánh quy và cùng uống cafe. “Nào, hãy nâng ly vì tình yêu này”, cụ Hansen bông đùa.
Ngày thường, họ có thể ôm hôn nhau, song virus SARS-CoV-2 khiến cả hai phải giữ khoảng cách, chỉ có thể nhìn nhau qua thanh chắn màu đỏ trắng chia đôi Đức và Đan Mạch. Để duy trì buổi hẹn, cụ Hansen đi xe đạp điện từ Suderlugum tới biên giới, còn cụ Rasmussen di chuyển trên ôtô.
Cặp đôi lớn tuổi tâm sự mỗi ngày ở biên giới.
“Chúng tôi buồn, nhưng đâu thể thay đổi được?”, cụ Rasmussen tâm sự. Cặp đôi vẫn nói chuyện qua điện thoại và gặp nhau ở biên giới mỗi ngày. Đôi bạn già không muốn đại dịch ảnh hưởng đến tình cảm của mình.
Rasmussen và Hansen tình cờ gặp nhau 2 năm trước. Từ ngày 13/3 năm ngoái, họ về sống với nhau, và không chịu nổi cảm giác cô đơn khi xa người còn lại. Cả hai hy vọng có thể gặp lại nhau vào lễ Phục sinh, cùng nhau du lịch khi lệnh đóng cửa biên giới được dỡ bỏ.
Trải nghiệm khó quên
Hensy Ansell trải qua cảm giác yêu xa với bạn trai Michael Bryan, dù cô chỉ cách anh vài dặm. Cả hai sống ở thủ đô Wellington của New Zealand. Trong 4 tuần tới, cặp đôi sẽ không thể nhìn thấy nhau, bởi New Zealand bị phong tỏa để chặn dịch Covid-19.
"Ban đầu, chúng tôi không hiểu các quy tắc và nghĩ rằng sẽ tốt thôi. Tôi và bạn trai có thể gặp nhau một hoặc hai lần một tuần", Ansell chia sẻ. “Sau đó tôi nhận ra: hình như không ổn rồi”.
Bryan mời Ansell ở nhà của anh, nhưng dường như căn hộ không đủ lớn để cả hai thoải mái. Ngoài ra, Ansell cũng muốn có không gian riêng.
Ansell (phải) và Bryan.
Vậy là, cặp đôi quen nhau khi từng làm việc ở tiệm pizza, phải dành vài tuần tiếp theo để gặp nhau trên thế giới ảo, dù chỉ cách nhau 8 km. Họ chúc nhau một ngày tốt lành, nhưng thay vì dành cho nhau cái ôm, cả hai chỉ thấy nhau qua những tin nhắn điện thoại và cùng xem Netflix.
“Chúng tôi rất muốn gặp nhau, và thất vọng khi biết việc gặp gỡ và ôm nhau tưởng có thể nhưng lại không thể. Bạn không thể hủy hoại mục đích chung”, Ansell chia sẻ.
Ở các quốc gia đang áp dụng lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch bệnh, các cặp đôi đều đứng trước tình cảnh tương tự. Một số người như Ansell lựa chọn cách xa người yêu, nhưng một số lại xích lại gần nhau nhờ sinh vật vô hình mang tên virus corona.
Thử thách cho tình yêu
Ở Anh, James Marsh, 21 tuổi, cùng bạn gái Kiera Leaper dự định kỷ niệm 1 năm yêu nhau vào thứ Hai tới. Cuối cùng, nước Anh bị phong tỏa. Cặp đôi đi chơi lần cuối trước khi ai về nhà nấy. Lệnh phong tỏa tại đây có hiệu lực trong ít nhất 3 tuần.
“Chúng tôi thấy nhau mỗi ngày, ở cùng nhau mỗi tối”, Marsh chia sẻ. “Khi ấy, việc chia xa nhau là thách thức lớn. Đây sẽ là khoảng thời gian dài nhất mà tôi và Kiera không nhìn thấy nhau".
Marsh (phải) và bạn gái.
Cặp đôi gọi FaceTime hàng ngày, dành thời gian bên nhau và bên bạn bè qua nền tảng chat video Houseparty. Họ cố khiến mình bận rộn. Marsh tiếp tục với khóa học, Leaper vùi mình vào bài tập.
Nhưng thách thức vẫn còn. Marsh và bạn bè đang ở tháng cuối cùng của thời đi học, và dường như không thể tốt nghiệp cùng nhau. Đó là nỗi buồn quá lớn. “Bị chia cách bởi virus corona, đó là ký ức năm cuối của chúng tôi”, Marsh cho biết.
Công nghệ bền bỉ kết nối tình yêu giữa Marsh và Leaper, nhưng cảm giác yêu qua màn hình di động vẫn khác xa so với khi cả hai ở bên nhau. Dù vậy, Marsh khẳng định trải nghiệm này sẽ củng cố mối quan hệ của anh và bạn gái.
“Điều quan trọng là chúng tôi có thể vượt qua những lúc như vậy. Bạn không thể mong người ấy cứ ở bên cạnh mình nếu muốn một mối quan hệ lâu dài. Nếu bạn làm công việc bắt buộc khiến mình phải xa người ấy, bạn đâu thể phụ thuộc vào họ”, Marsh chia sẻ.
Tình yêu bị ngăn cấm
Hemangay, sinh viên Đại học Delhi, đã không nghe thấy giọng nói của bạn trai trong một tuần. Chàng trai 19 tuổi (yêu cầu không sử dụng tên thật với báo giới) đang sống cùng gia đình ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Vài tháng trước, anh hẹn hò cùng bạn trai 22 tuổi. Tình yêu nảy nở và được nuôi dưỡng trong bí mật.
Thứ Ba vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ban bố lệnh phong tỏa đất nước trong 21 ngày. Không ai được ra đường. Phương tiện công cộng tạm ngừng. Hemangay không thể tìm đến nhà của bạn trai ở khu vực khác tại New Delhi. Không gặp gỡ, và cũng không thể gọi điện, khi Hemangay lo sợ bị bố mẹ phát hiện mối quan hệ.
Video: Người Ấn Độ chen nhau về quê trước giờ phong tỏa
Sau vài tuần, cả hai chỉ trò chuyện được qua WhatsApp. Điều đó khác xa so với cuộc sống bình thường trước đây, khi Hemangay gặp bạn trai mỗi ngày ở trường học. Lần gần nhất cả hai thấy nhau là cách đây 2 tuần, trước khi lệnh phong tỏa ập xuống.
“Thật tồi tệ khi tôi không biết lần ấy là lần cuối”, Hemangay tâm sự. Anh lo lắng khi nghĩ đến nhiều tuần xa cách, nhưng tuyệt vọng vì không biết phải làm gì.
Cặp đôi kém may
Tháng 4 là khoảng thời gian cứu rỗi cho mối quan hệ của Isobel Ewing (30 tuổi) và bạn trai của cô. Ewing, một phóng viên truyền hình, chuyển tới Budapest, Hungary từ giữa tháng 1. Cô đợi đến tháng 4 để được gặp mối tình 2 năm là Sam Smoothy. Anh là VĐV trượt tuyết chuyên nghiệp đã đến Bắc Mỹ được vài tháng.
Cả hai dự định gặp và dành thời gian cho nhau ở Hungary, nhưng kế hoạch đổ bể vì Covid-19. Tổng thống Donald Trump hạ lệnh ngừng tất cả các chuyến bay từ châu Âu đến Mỹ. Ewing lo sợ Smoothy sẽ kẹt lại ở Mỹ. Vài ngày sau, Hungary đóng cửa biên giới.
Cơ hội để gặp nhau là con số 0. Smoothy buộc phải về New Zealand, thay vì đến Hungary gặp người yêu. Kế hoạch vẫn còn dang dở.
Ewing và bạn trai tan vỡ dự định.
Giờ thì Smoothy đang ở New Zealand và tự cách ly trong nhà của gia đình Ewing, còn cô phải ở Budapest vì lý do công việc. Họ không biết khi nào mới gặp nhau lần nữa. “Bạn phải quen dần với việc yêu xa, nhưng đó là chìa khóa để mong đợi những lúc bên nhau. Tôi vẫn đang cố gắng trải qua điều đó”, Ewing nhấn mạnh.
Lễ cưới khó quên
Sau 3 năm, Anika (32 tuổi) lên kế hoạch kết hôn với bạn trai, nhưng mọi thứ dần trôi khỏi tầm kiểm soát của họ. Cặp đôi ở New Delhi dự định đăng ký kết hôn vào ngày 20/3, có buổi tiệc vào ngày 10/4 tới hơn 400 người, sau đó tổ chức lễ cưới 2 ngày sau. Và rồi, dịch bệnh bùng phát.
Chính phủ Ấn Độ áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có ngừng cấp visa cho du khách. Điều này khiến cả hai lo lắng. Anika bắt đầu nghĩ đến kế hoạch B. Họ tổ chức lễ cưới vào ngày 20/3. Một hôn lễ nhỏ, ít người tham dự.
“Tuần vừa rồi thật bi thảm", Anika chia sẻ. Cô phải nhắn tin xin lỗi, từ chối khách mời tới tiệc cưới, duy trì số người tham dự không vượt quá 30 để giãn cách xã hội theo khuyến cáo của chính quyền.
Dịch bệnh khiến cuộc sống đảo lộn.
Cuối cùng, lễ cưới lại thân mật và ngọt ngào hơn tưởng tượng. Họ chấp nhận đối phó với khủng hoảng. Cặp đôi cập nhật hashtag #loveinthetimeofcorona (tình yêu thời virus corona), cố gắng giữ vệ sinh và khử trùng không gian tiệc cưới.
“Đôi khi đó là định mệnh. Ban đầu, bạn sẽ thấy căng thẳng và thất vọng khi trải qua những chuyện này, nhưng nhìn lại, tôi nghĩ nó thật hoàn hảo", Anika cho biết. Dù đó không phải lễ cưới trong mơ, nhưng Anika cùng chồng không muốn trì hoãn.
Ở Ấn Độ, các cặp đôi không được sống cùng nhau trước lễ cưới. Giờ đây, cả hai đã là một phần cuộc sống của nhau, dù lệnh phong tỏa được áp đặt.
“Chúng tôi thấy nhau suốt thời gian dài, cùng lên dự định cưới xin và không muốn trì hoãn. Chúng tôi muốn sống cùng nhau, không thể chờ đợi thêm nữa”, Anika kết luận.