Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tình báo Mỹ lo ngại bị trả đũa nếu tên lửa Ukraine tấn công Nga

(VTC News) -

Tình báo Mỹ tin rằng, Nga có thể thực hiện các hành động phá hoại ngầm nhằm vào căn cứ quân sự NATO nếu Moskva bị tên lửa Ukraine tấn công.

Tờ New York Times dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ nói, Moskva có thể tấn công trả đũa những nước phương Tây ủng hộ Ukraine sử dụng tên lửa tầm tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

New York Times còn trích dẫn các đánh giá tình báo cho biết, ngay cả khi Ukraine được tự do sử dụng tên lửa do phương Tây cung cấp thì điều này cũng không ảnh hưởng đáng kể đến cuộc xung đột do số lượng tên lửa hạn chế. Hơn nữa, sau các cuộc tấn công ban đầu, Nga có thể sẽ di dời các cơ sở quân sự quan trọng khiến Kiev mất khó đạt được bất cứ chiến thắng mang tính biểu tượng nào.

Ukraine hiện đang kêu gọi Mỹ và các đồng minh dỡ bỏ mọi hạn chế về việc sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga. (Ảnh: New York Times)

Hơn nữa, một quyết định như vậy sẽ là một canh bạc có rủi ro, vì nó có thể dẫn đến các cuộc tấn công đáp trả "chết người" nhắm vào các tổ hợp quân sự của Mỹ trên toàn thế giới, New York Times đưa tin.

Theo đánh giá, các phản ứng tiềm tàng của Nga có thể bao gồm "từ các hành động phá hoại nhằm vào các cơ sở quân sự ở châu Âu cho đến các cuộc tấn công có khả năng gây chết người". Các quan chức tình báo Mỹ nhận định nếu Moskva quyết định trả đũa, họ có khả năng sẽ thực hiện hành động này một cách bí mật thay vì công khai để giảm nguy cơ xảy ra xung đột rộng lớn hơn.

Hiện tại Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine ba loại hệ thống tên lửa tấn công tầm xa gồm ATACMS do Mỹ sản xuất, Storm Shadows của Anh và tên lửa SCALP của Pháp. Kiev đã nhiều lần sử dụng các tên lửa này để nhắm vào cơ sở hạ tầng và khu vực dân sự ở Crimea và các vùng lãnh thổ bị Nga sáp nhập.

Kiev đang kêu gọi Mỹ và các đồng minh dỡ bỏ mọi hạn chế về việc sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Phương Tây sử dụng những hạn chế này để khẳng định họ không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột trong khi cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần khẳng định hành động tấn công lãnh thổ Nga của Ukraine có liên quan đến Mỹ và NATO, vì Kiev chỉ có thể thực hiện được điều này sau khi được NATO cung cấp thông tin về mục tiêu.

Tổng thống Nga Putin cũng đã khuyên các thành viên NATO nên nhận thức được "những gì họ đang chơi đùa", đồng thời cảnh báo rằng sẵn sàng trang bị cho các quốc gia đối đầu với phương Tây vũ khí tấn công chính xác tầm xa.

Ngoài ra, đề xuất cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga được công bố hôm 25/9 sẽ coi "hành vi xâm lược chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, có sự tham gia hoặc hỗ trợ từ một quốc gia hạt nhân đều được xem là cuộc tấn công chung".

Trong tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng trình bày "kế hoạch chiến thắng" của nước này với Mỹ, chính quyền Kiev hy vọng thuyết phục được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris ủng hộ kế hoạch này. Trước đó, Anh và Pháp đều ngầm tuyên bố họ đã chuẩn bị cho phép Ukraine tự do sử dụng tên lửa hành trình tầm xa viện trợ nhưng với điều kiện Washington đồng ý trước.

Trà Khánh (Nguồn: RT, New York Times)

Tin mới