Chưa bao giờ việc mua sắm trở nên dễ dàng như bây giờ khi chỉ với một cú nhấn là hàng về tay. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến khả năng "cháy túi" trong những ngày cuối năm mua sắm “vung tay quá trán” khá cao. Nếu không muốn rơi vào cảnh “nghèo rớt mùng tơi” trước khi kịp đón tết thì hãy lướt qua một số lưu ý để “săn sale” cuối năm này nhé!
Lập danh sách mua sắm
Trước khi lên danh sách, bạn hãy kiểm tra tủ quần áo, giày dép, mỹ phẩm và các đồ dùng trong nhà để biết mình còn thiếu món gì, cái gì có thể mua thêm và cái gì không nên tha về nữa.
Sau đó, bạn gạch đầu dòng những thứ cần mua, xếp theo thứ tự ưu tiên, những món đồ cần thiết nhất để lên trước. Với cách này, bạn sẽ không bị "mờ mắt" khi bắt gặp những chương trình sale "sập sàn" trong mùa lễ hội cuối năm 2021.
(Ảnh: Pinterest)
Xác định số tiền tối đa được phép tiêu
Tùy theo khả năng tài chính, bạn hãy chốt luôn một con số, xác định mình được phép tiêu 2 triệu, 5 triệu hay 10 triệu đồng cho việc mua sắm cuối năm.
Với danh sách những món đồ cần mua được xếp theo thứ tự ưu tiên đã nói ở trên, bạn sẽ mua sắm cho đến khi hết số tiền định sẵn thì kiên quyết dừng lại.
So sánh giá
Giá ảo, sale ảo là việc nâng cao giá trị thật của sản phẩm sau đó hạ xuống ngang giá. Đây là chiêu trò của không ít chủ shop để khơi gợi khách hàng chọn mua vì quá rẻ. Vậy nên trong trường hợp này bạn nên dạo quanh một vòng xem xét giá từ các trang để biết chính xác sản phẩm bạn cần mua đang trong tầm giá như thế nào.
(Ảnh: Pinterest)
Đừng ham freeship
Tiền ship là một trong những vấn đề "khá lớn" đối với những người mua sắm online. Đặc biệt trong mùa săn sale, hàng chục mã freeship kích thích bạn mua sắm điên cuồng để tận dụng triệt để ưu đãi này.
Đây là suy nghĩ bất lợi. Dù phí ship trên một mặt hàng là cao, nhưng nếu bạn mua thứ khác mà mình không cần, kết cuộc là phải miễn cưỡng dùng vì lỡ mua hoặc tệ hơn là vứt đi. Thế thì thà trả phí ship còn hơn, đỡ hoang phí nhiều.
Coi chừng cái bẫy "mua 1 tặng 1"
Không ít trường hợp khách hàng đã phải trời ơi với ưu đãi mua 1 tặng 1 vì cứ nghĩ sẽ tặng sản phẩm cùng giá hoặc cùng loại mình mua, thế nhưng sự thật thì bạn chỉ được tặng kèm một món giá trị nhỏ hơn hoặc thậm chí là một món đồ không liên quan.
(Ảnh: Pinterest)
Và nếu để ý bạn sẽ thấy giá của những món đồ mua 1 tặng 1 thường thì sẽ cao hơn những món riêng lẻ (vì đã được được cộng thêm giá món được tặng).
Với những khuyến mãi như vậy bạn nên cân nhắc xem món đồ được tặng kèm có thật sự cần thiết không (vì hầu hết tâm lý lại thích mua vì món đồ tặng kèm), nếu không mua món này thì bạn có thể mua được món khác thay thế có giá tốt hơn không?
Cẩn thận với “flash sale”
Khi nhắc đến flash sale phần lớn tín đồ mua sắm sẽ nghĩ đến những sản phẩm được bán với giá tốt, giá rẻ chỉ trong khoản thời gian có hạn – đúng kiểu bạn chỉ có cơ hội mua ngay lúc đấy, làm tâm lý chúng ta cứ phải chọn mua ngay lập tức.
(Ảnh: Pinterest)
Nhưng thực tế bên cạnh những món đồ flash sale giá tốt thì bạn vẫn có thể mua được những món đồ giá “flash sale ảo” nhan nhản mỗi ngày, mỗi giờ mà không phải canh sale gì cả. Không ít trường hợp săn flash sale phải than trời vì vội mà quên xem chi tiết món đồ mình mua là gì, đến lúc nhận hàng chỉ là mẫu sample, mẫu kit,…
Đặt câu hỏi trước khi "chốt đơn"
Trước khi quyết định "chốt đơn", bạn hãy một lần nữa xem lại danh sách mua sắm và tự hỏi, mình có thật sự cần nó hay không, mình mua nó vì cần hay vì nó rẻ? Nếu không có món đồ này cũng chẳng sao, tốt nhất là đừng mua để bảo vệ túi tiền của mình. Sẽ còn nhiều thứ cần thiết đang cần bạn chi đấy.