Đòi nợ là một trong những tình huống khá nhạy cảm trong giao tiếp, đặc biệt đối với những "con nợ" là người thân, bạn bè. Làm thế nào để ví tiền của mình không bị thiệt thòi mà tình cảm hai bên vẫn không sứt mẻ? Hãy cùng tìm hiểu các bí kíp đòi nợ duyên dáng và hiệu quả dịp cuối năm này nhé!
Đòi nợ qua mạng xã hội
Cuộc sống ảo trên mạng xã hội đóng một vai trò không thể thiếu trong mỗi cá nhân hiện nay. Tận dụng điều này, bạn có thể đăng một dòng trạng thái nói bóng gió về việc bị nợ tiền (chỉ nói chung chung, không nên tag tên) lên mạng xã hội mà cả hai cùng dùng, đối phương đọc được thì phản ứng tự nhiên "chột dạ" sẽ thúc đẩy việc tự giác trả tiền rất hiệu quả.
Nhắc nhở nhẹ nhàng khi gặp trực tiếp
(Ảnh: Pinterest)
Đi sâu hơn về lý do thực sự mà người thân hoặc bạn bè mượn tiền lâu mà chưa trả thường sẽ là: Họ quên mất món nợ (với món nợ nhỏ) hoặc là do chưa thật sự có khả năng chi trả. Việc bạn cần làm là khéo léo nhắc nhở và đòi nợ nhẹ nhàng để kích thích sự tự giác của con nợ.
Trong một buổi hẹn trực tiếp với người đó thì bạn có thể đề cập đến một chủ đề nợ nần của một người khác với nội dung tương tự với tình huống của bạn hiện tại. Như vậy con nợ sẽ nhận ra ngay việc phải trả tiền cho bạn.
Trình bày hoàn cảnh khó khăn với con nợ
Phương pháp "kể khổ" này khá hiệu quả với những con nợ có lòng hướng thiện nhưng chỉ "quên" trả tiền. Thay vì nói "tao cần gấp một khoản tiền nhưng lúc này đang túng quá" thì bạn có thể nói tránh đi rằng có ai đó đang vay mượn bạn mà chưa trả nhưng trong lúc này bạn lại vô cùng cần tiền. Nếu là một người bạn tốt, chắc chắn con nợ sẽ động lòng tìm cách trả nợ cho bạn dù ít hay nhiều.
(Ảnh: Pinterest)
Một cách khác nữa là bạn có thể buông một lời nói dối trắng về nguồn gốc món tiền cho mượn. Tiếp theo, nói với họ rằng bạn cần lại món tiền đó gấp và yêu cầu họ trả lại cho bạn một cách chân thành và khẩn thiết nhất.
Hỏi han tình trạng
Sau bước nhắc nhở mà dường như không mấy hiệu quả, bạn nên thực hiện ngay bước hỏi han tình trạng bởi biết đâu, đối phương thật sự không có tiền để trả do gặp vấn đề khó khăn gì thì sao? Mình cho họ mượn tiền, tức là họ cũng là một trong những mối quan hệ mà mình tin tưởng, thế tại sao không cho nhau một cơ hội thay vì “truy cùng diệt tận”, phải không?
Hãy bắt đầu bằng các câu hỏi đại loại như “bạn đang gặp khó khăn gì thật à? Chuyện thế nào, kể mình nghe với”. Nếu sự chân thành này được hồi đáp và bạn cũng có phần tin tưởng thì nhanh chóng làm bước kế tiếp.
Đề xuất phương án khác
(Ảnh: Pinterest)
Sau khi hiểu tình hình của con nợ, người cao thượng và thanh lịch sẽ đề xuất vài phương án thu nợ khác mang tính giúp đỡ. Phương án này có thể là chia số nợ ra thành nhiều đợt với các mốc thời gian cụ thể, sau đó yêu cầu đối phương cứ thế mà thực hiện hoặc dùng sức lao động của đối phương để trừ nợ.
Tóm lại, việc đề xuất phương án này cần phải có sự linh hoạt của chính những chủ nợ tôn quý. Dù sao tiền về chậm trong vài tháng hoặc được trả bằng một hình thức khác suy cho cùng cũng không đáng sợ bằng việc mất tiền mất luôn bạn, nhỉ?
Nói thẳng với con nợ một cách cứng rắn
(Ảnh: Pinterest)
Nếu như đã tìm đủ mọi cách, những lời ngọt nhẹ mà vẫn không lấy lại tiền thì bạn hãy gặp mặt trực tiếp và nói thẳng vấn đề với người ấy. Hãy cho họ biết rằng bạn không muốn vì một số tiền mà tình bạn/mối quan hệ cắt đứt, nếu tôn trọng nhau thì hãy trả tiền đúng hẹn.
Nếu bạn đã thử hết những cách trên mà vẫn không lấy lại được tiền, xin chia buồn! Bạn đã gặp một người mắc nợ "siêu cấp".
Trong trường hợp này, buông bỏ có lẽ là cách ít mệt mỏi nhất. Hãy coi đây là "học phí" giúp bạn hiểu được rằng, khi đụng đến tiền thì nên cẩn trọng vì nó có tác động rất lớn - trước hết là chi tiêu, thứ hai là mối quan hệ. Từ nay, khi cho mượn tiền, hãy suy nghĩ thật kĩ và đôi lúc cũng cần cân đong đo đếm chút niềm tin, bạn nhé!