Dù tình hình dịch COVID-19 trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường nhưng trong thời gian qua số ca mắc COVID-19, đặc biệt là các ca nặng phải điều trị tại bệnh viện đang có chiều hướng tăng.
Để tiếp tục bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng chống dịch COVID-19, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang có nguy cơ gia tăng, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Công điện số 755/CĐ-TTg ngày 25/8/2022 của Thủ tướng gửi Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vaccine phòng COVID-19, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vaccine cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc tiêm vaccine trên địa bàn, đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Ban chỉ đạo Quốc gia; sử dụng kịp thời, hiệu quả số vaccine phòng COVID-19 được phân bổ, tránh lãng phí.
Chỉ đạo các cấp chính quyền trên địa bàn đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người; tiếp tục khẩn trương tổ chức tiêm chủng lưu động, tại vùng có tỷ lệ tiêm thấp mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên để bảo đảm mục tiêu đề ra.
Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tiêm vaccine, kịp thời báo cáo Thủ tướng chỉ đạo đối với các địa phương không bảo đảm tiến độ.
Việt Nam tiếp tục tiêm phủ mũi 3, 4 cho người trên 18 tuổi.
Về việc ứng phó với các biến thể mới, Bộ Y tế bám sát diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, tăng cường trao đổi, thông tin, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và ý kiến các chuyên gia để có đánh giá, dự báo diễn biến dịch bệnh do biến thể mới gây ra, triển khai đánh giá miễn dịch cộng đồng, chủ động tham mưu các giải pháp ứng phó phù hợp và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, cập nhật kịch bản, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở; kiên quyết ứng phó kịp thời, hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.
Cơ quan, địa phương nào không kịp thời kiểm soát, để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Về công tác thông tin, truyền thông, Bộ Y tế chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh, nhất là nguy cơ do các biến thể mới gây ra, các biện pháp phòng, chống dịch.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan báo chí, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, tích cực tiêm vaccine phòng COVID-19 để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Trong hôm nay (25/8), Việt Nam có 3.342 ca mắc COVID-19 mới, trong ngày có hơn 12.700 bệnh nhân khỏi và 2 trường hợp tử vong tại Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.396.205 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.865 ca nhiễm).