Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thủ tướng: Một số địa phương vận dụng Chỉ thị 16 còn máy móc

(VTC News) -

Thủ tướng cho rằng một số địa phương vận dụng Chỉ thị 16 còn máy móc, có điểm sai, “chúng ta thực hiện nghiêm nhưng không vận dụng sai”.

Chiều 3/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, trong đó có việc thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly trong xã hội.

Nhấn mạnh không làm suy giảm tinh thần của Chỉ thị 16, Thủ tướng nêu rõ, không để tác động của tình hình kinh tế làm thay đổi tinh thần của Chỉ thị 16 mà cần thực hiện nghiêm hơn.

Mục tiêu đưa ra là không để vỡ trận, lây lan dịch trong cộng đồng ở mức độ cao, nhiều ca, có thể dẫn tới phá vỡ hệ thống cơ sở điều trị. Việc cách ly cần tiếp tục thực hiện nghiêm.

Theo Thủ tướng, có một số địa phương vận dụng Chỉ thị 16 còn máy móc, có điểm sai, “chúng ta thực hiện nghiêm nhưng không vận dụng sai, hiểu không đúng nghĩa cụm từ 'cách ly xã hội'”. Tinh thần là thực hiện quyết liệt, không được chần chừ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng cho rằng, có kinh nghiệm được rút ra từ nhiều nước trong nhiều thời kỳ thì nơi nào chống dịch kiên quyết thì sau đó kinh tế phát triển, còn nếu để dịch tràn lan, gây hại rất lớn thì sau đó kinh tế khó phục hồi.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là giai đoạn cần huy động tổng lực trong phòng chống dịch. Chúng ta cần phối hợp nhịp nhàng hơn, nhuần nhuyễn hơn để tạo nên sức mạnh. Yêu cầu làm nhanh nhưng chính xác, chung tay góp sức của nhiều người.

Biểu dương Hà Nội bố trí khách sạn để cách ly các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Thủ tướng nêu rõ, cần quan tâm đặc biệt đến đội ngũ trực tiếp chống dịch, nhất là các y bác sĩ, cả về vật chất và tinh thần.

Chính sách cách ly toàn xã hội về thực chất là giãn cách xã hội được nhiều nước áp dụng để ngăn chặn các trường hợp xâm nhập đã bị bỏ sót (ước tính số bỏ sót cao qua các chu kỳ lây nhiễm có thể lên tới trên 1.500 người).

Hầu hết các nước áp dụng biện pháp này khi phát hiện trên 50 trường hợp nhưng khi áp dụng không còn khả năng ngăn chặn. Việt Nam áp dụng khi có dưới 20 trường hợp nhiễm trong một ngày. Chính sách này là phù hợp, kịp thời để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, thế giới ghi nhận vượt con số 1 triệu người mắc tại 206 quốc gia, vùng lãnh thổ; Mỹ là quốc gia đầu tiên có số mắc trên 200.000 người, 2 quốc gia có trên 100.000 trường hợp mắc (Italy, Tây Ban Nha); ghi nhận 53.200 người chết, trong đó 10 quốc gia có trên 1.000 người chết.

Tính đến 11h hôm nay, tại Việt Nam ghi nhận 233 trường hợp mắc, trong đó 42 trường hợp liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai (27 trường hợp là nhân viên Công ty Trường Sinh); 16 trường hợp liên quan tới quán Bar Buddha (TPHCM). Trong tổng số ca mắc, số ca phát hiện sau nhập cảnh là 114 (48,9%), số nhập cảnh được phát hiện tại cộng đồng 34 (14,6%), số ca lây nhiễm từ ca bệnh xâm nhập 28 (12%), số ca phát hiện tại cộng đồng 57 (24,5%).

Có 85 trường hợp đã khỏi bệnh, còn lại 148 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh; 2 bệnh nhân nặng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 46 trường hợp xét nghiệm âm tính lần 1, có 21 ca âm tính lần 2.

Về kết quả rà soát các trường hợp liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai, đến 18h ngày 2/4, đã rà soát 44.474 người, trong đó có 4.593 bệnh nhân nội trú, 1.299 bệnh nhân ngoại trú (các tỉnh báo về), 30.617 bệnh nhân khám ngoại trú, 7.167 người thân/người chăm sóc bệnh nhân, 145 người làm cho Công ty Trường Sinh và 653 người khác có liên quan. Các trường hợp này đang được các địa phương giám sát, thực hiện cách ly tại nhà hoặc tập trung.

Nhật ký chống dịch Covid-19 ngày 3/4/2020 : Việt Nam thêm 6 ca bệnh

Xuân Trường

Tin mới