Thông tin này được tờ Financial Times nhận định hôm 16/3. Theo đó, Thủ tướng Naftali Bennett đóng vai trò trung tâm, chính là "nhà hòa giải quốc tế chính" trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga.
Theo Financial Times, đề xuất dự thảo thỏa thuận ngừng bắn giữa Kiev và Moskva gồm 15 điểm. Theo đề xuất này, Ukraine từ bỏ nguyện vọng gia nhập liên minh quân sự NATO để đổi lấy một lệnh ngừng bắn, rút quân của Nga và những cam kết về an ninh.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett.
Kiev và Moskva đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc đồng ý về thỏa thuận dự kiến, trong đó Ukraine cũng sẽ đưa ra các giới hạn đối với quân đội của mình và giữ thái độ trung lập bằng cách không liên minh hoặc cho phép các lực lượng nước ngoài trên đất của mình. Các nhà đàm phán của hai bên đã thảo luận về thỏa thuận đầy đủ lần đầu tiên vào hôm 14/3.
Bất chấp những tiến triển rõ ràng trong cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, các nhà đàm phán Ukraine nghi ngờ Moskva có thể đang câu giờ để tập hợp quân sự, gây sức ép trong các cuộc đàm phán.
Cũng theo Financial Times, ngoài vai trò của Thủ tướng Naftali Bennett, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng có đóng góp vào các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Một trợ lý cấp cao của Zelensky cho hay, dự thảo thỏa thuận ngừng bắn được đề xuất giữa Kiev và Moskva chỉ thể hiện lập trường của Nga.
Ukraine bày tỏ tham vọng trở thành thành viên của NATO, nhưng trong những ngày gần đây, Kiev dường như không mặn mà gia nhập liên minh này. Hôm 15/3, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine “phải thừa nhận” rằng họ không thể gia nhập NATO.
Thủ tướng Bennett đã có các cuộc điện đàm với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Volodymyr Zelensky, đồng thời ông đã đích thân bay đến Moskva để gặp ông Putin vào đầu tháng này, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp lãnh đạo Nga kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.
Cuối tháng 2, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đề xuất làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.
Israel là một trong số ít quốc gia duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp với cả Ukraine và Nga. Ông Bennett quyết định không gửi vũ khí hoặc viện trợ quân sự khác cho Ukraine để duy trì vị thế là một quốc gia trung lập.
Mới đây, Trợ lý Tổng thống Nga - ông Vladimir Medinsky cũng tiết lộ, Kiev đề xuất Ukraine trở thành phiên bản của Thụy Điển hoặc Áo - quốc gia phi quân sự, có lực lượng vũ trang riêng. Cũng theo ông Vladimir Medinsky, những vấn đề này đang được thảo luận ở cấp lãnh đạo của Bộ quốc phòng Nga và Ukraine.
Hôm 16/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, tại các cuộc đàm phán, tình trạng trung lập của Ukraine cùng với các yêu cầu của Nga về đảm bảo an ninh đang được thảo luận nghiêm túc. Các cuộc đàm phán rất khó khăn, nhưng có một số hy vọng về thỏa hiệp.
Đến nay, Nga và Ukraine đã có ít nhất 4 cuộc đàm phán kể từ khi chiến dịch quân sự của Moskva bắt đầu. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán chưa đạt được tiến bộ mang tính đột phá, hai bên mới chỉ nhất trí thỏa thuận về các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường.