(VTC News) - Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 diễn ra sáng nay, hàng loạt các vấn đề nhức nhối đã được các doanh nghiệp đặt ra.
42% doanh nghiệp có lãi là “không bình thường”
Việc chỉ có chưa đầy một nửa số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, sáng 29/4.
Ông Lộc phân tích, con số 42% này, mặc dù được cải thiện so với mức 32% và 35% của những năm trước, nhưng việc chỉ có chưa đầy một nửa số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn, Và, tuy số doanh nghiệp thành lập mới có tăng lên, song chênh lệch giữa số doanh nghiệp thành lập mới và giải thể, ngừng hoạt động đang thu hẹp lại.
Hãy coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý
Đại diện CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk, bà Mai Kiều Liên đặt ra vấn đề, sớm ban hành thông tư mới thay thế Thông tư 121 về công ty đại chúng; Thủ tục hành chính nên giảm; Giấy phép con cần bỏ những giấy phép con không cần thiết.
Về Chăn nuôi, Vinamilk đang thu mua 60% lượng sữa của bà con nông dân. Nên sửa đổi nguồn gốc xuất xứ, công nhận bò bê nhập khẩu từ nước ngoài về là con giống. Hiện ta đang theo xu hướng hữu cơ, khi đó phân bò và nước thải bò lại là nguồn tưới cho các đồng cả nuôi bò thịt. Vì vậy Vinamilk kiến nghị cụ thể gửi đến Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Cuối cùng, hãy coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý.
Cho phép hàng không tư nhân tham gia quy hoạch hạ tầng sân bay
Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, sau khi liệt kê những thành công của doanh nghiệp, thì kêu khó và đề xuất một số ý kiến liên quan đến việc đầu tư trong lĩnh vực hàng không, như mong được giải tỏa ở các cấp cao hơn trong cơ chế điều hành, vận hành… từ cảng sân bay, xuất nhập cảnh tới kiểm dịch…
Chính phủ, Bộ Giao thông cần nhanh chóng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, cho phép các hãng hàng hàng không tư nhân được tham gia vào việc quy hoạch hạ tầng sân bay, nhà ga, cho phép hàng không tư nhân được góp sức nhiều hơn vào các dự án cải tạo hạ tầng, các chương trình cổ phần hóa, tư nhân hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải, tham gia các chương trình đào tạo nhân lực cho ngành hàng không…
Đồng thời xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh để các doanh nghiệp tư nhân phát huy tốt hơn nữa.
Tạo điều kiện, có cơ chế để các doanh nghiệp tư nhân như Vietjet được sử dụng lao động nước ngoài.
Điều hành kinh tế như 1 bản nhạc giao hưởng
Ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch BIDV ví von: "điều hành kinh tế như bản nhạc giao hưởng trong đó thủ tướng là nhạc trưởng, các bộ trưởng là nhạc công, chúng tôi là các ca sĩ".
Video: Ông Trần Bắc Hà đề nghị giảm phát hành trái phiếu Chính phủ 10%
Ông Hà cũng chỉ ra, tin tốt giá dầu đạt được 46USD/thùng; giá cao su 1.700 USD/tấn; tin chưa tốt kinh tế 4 tháng GDP tăng trưởng chậm 5,46%; sản xuất công nghiệp thấp hơn cùng kỳ. Chính phủ phải điều hành tăng trưởng GDP trong quý III, IV phải từ 7-7,5% mới đạt được mục tiêu.
Tuy nhiên, ông Hà đề nghị Chính phủ đẩy nhanh cơ chế tái cấp vốn và cấp bù lãi suất. Hiện được tái cấp vốn rất thấp và rất ít. Các tổ chức tín dụng nên cam kết tiết giảm chi phí.
"Ngay từ hôm nay, BIDV chúng tôi cam kết cắt giảm lãi suất cho vay 0,5% ở tất cả các kỳ hạn; lãi suất vay dài hạn không quá 10%/năm", ông Hà nhấn mạnh.
Về xử lý nợ xấu, đến nay 3 năm sau vẫn chưa có văn bản pháp lý tạo lập thị trường mua bán/xử lý nợ xấu.
5 mét vải cần 138 lần đi kiểm tra
Đại diện Hiệp hội dệt may đưa ra thực trạng là: Thông tư 37 Bộ Công thương ra đời thắt chặt doanh nghiệp không chịu nổi, tốn chi phí cho doanh nghiệp. Bộ Công thương nên xem lại. Chỉ trong quý I với 5m vải cần 138 lần đi kiểm tra theo Thông tư 37.
Thiếu giấy phép, Saigon Co.op không thương thảo được thương vụ mua Big C
Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op đã thẳng thắn nêu ra những thách thức mang tính đặc thù của thị trường bán lẻ Việt Nam và đưa ra một số giải pháp để ngành bán lẻ Việt Nam không thua trên sân nhà.
Ông Diệp Dũng cho biết, sau 9 năm gia nhập WTO, thị trường bán lẻ và doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức khi mà thị trường bán lẻ hiện đại đang chiếm thị phần đến 25% và khắc phục được những yếu điểm của thị trường bán lẻ truyền thống và đang xâm lấn đến thị trường nông thôn.
Tuy nhiên, cũng thông qua hội nhập, các doanh nghiệp bán lẻ quốc tế ngày càng thâm nhập nhiều hơn vào thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua mua bán và sáp nhập. Vì vậy, ông Dũng đã nêu ra một số thách thức mang tính đặc thù của thị trường bán lẻ Việt Nam và cho rằng cần phải nhận thức rõ các thách thức này để các doanh nghiệp bán lẻ không bị thua ngay trên sân nhà.
Theo đó, thách thức thứ nhất là doanh nghiệp Việt còn non trẻ, thị trường non trẻ dẫn đến việc triển khai cụ thể hóa các công cụ bảo vệ thị trường còn chậm và và yếu. Chúng ta đang yếu thì nên tận dụng những gì chúng ta đạt được trong đàm phán song phương. Bên cạnh đó, ông Dũng “mong Chính phủ triển khai nhanh các chính sách để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, bảo vệ thị trường bán lẻ nội địa”.
Thứ hai, Chính phủ nên cho xây dựng chiến lược quốc gia phát triển ngành bán lẻ đến năm 2020 -2030; xây dựng và phát triển 20 doanh nghiệp bán lẻ lớn của Việt Nam có thực lực để tháo gỡ khó khăn trong các thương vụ M&A.
Cuối cùng, ông Dũng cho hay: “Vừa rồi BigC tuyên bố chuyển nhượng, Saigon Co.op đã lọt vào danh sách hai đơn vị được thương thảo mua lại. Tuy nhiên, thương vụ này thực hiện mua bán ở nước ngoài mà Saigon Co.op lại chưa có giấy phép đầu tư ra nước ngoài để thương thảo. Vì vậy, Saigon Co.op chưa thể tham gia vào thương vụ này ở bước cuối cùng".
Thận trọng khi sửa đổi Thông tư 36
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM đề nghị thận trọng khi sửa đổi Thông tư 36, giảm 50% thôi đừng giảm xuống 40%, vẫn giữ hệ số rủi ro như hiện nay.
Đề nghị sửa đổi từ “đất ở” thành “đất” trong luật nhà ở. Ông cho rằng cần công bằng với doanh nghiệp bất động sản vì hầu hết ngành nghề được phép bù trừ còn kinh doanh bất động sản thì không. Doanh nghiệp không được lấy lợi nhuận trong kinh doanh bất động sản để xử lý các hoạt động khác bị thua lỗ. Quy định này theo ông Châu là lỗi thời, chưa phù hợp với các điều ước quốc tế.
Châu Anh