Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT: Sản phẩm OCOP sắm vai 'đại sứ' của từng vùng miền

(VTC News) -

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhận định, sản phẩm OCOP mang trên mình vai trò như một "đại sứ" của từng vùng miền và chuyển tải những câu chuyện đầy tính nhân văn.

Sáng 11/12, tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, liên kết cùng phát triển Cà Mau 2023.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, đây là sự kiện quan trọng và ý nghĩa trong bối cảnh ngành Nông nghiệp đang tập trung thực hiện các giải pháp để hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm 2023, nhất là thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo ông Tiến, hiện cả nước có 10.811 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.610 chủ thể OCOP. Trong đó có 37,9% là hợp tác xã, 24% là doanh nghiệp, 35,2% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến. (Ảnh: Hoàng Thọ)

"Có thể nói, mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình vai trò như một "đại sứ" của từng vùng miền và chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang nhiều tính nhân văn. Sản phẩm OCOP đã và đang đáp ứng được nhu cầu của thị trường về tiêu dùng các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương", ông Tiến nói.

Thứ trưởng Tiến nhận định, phát triển các sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp. Đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương.

Sản phẩm OCOP đang mở ra tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời, góp phần không nhỏ trong việc quáng bá giá trị văn hóa, du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thông của các địa phương.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 2.046 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (chiếm 18,8% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước), với 922 chủ thể OCOP, trong đó 28,5% là doanh nghiệp, 18,9% là HTX và 52,4% là các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Hiện các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế của các vùng nguyên liệu tập trung tại chỗ. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại cũng đã được các địa phương trong vùng quan tâm, chỉ đạo triển khai.

Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP lại có những tồn tại, hạn chế riêng như quy mô nhỏ, sản phẩm chưa hoàn thiện, năng lực của chủ thể còn hạn chế về nguồn lực, tổ chức sản xuất và thương mại...

Sản phẩm OCOP của Cà Mau. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Vì thế, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị các chủ thể OCOP nghiên cứu kỹ việc mình đã có gì, thiếu gì và cần làm gì để tham gia tốt hơn, hiệu quả hơn vào các hệ thống phân phối. Đồng thời cần có sự chủ động, mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh và cần thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường.

"Bên cạnh việc phát triển sản phẩm, bản thân các chủ thể OCOP cần nâng cao năng lực quản trị, marketing và khả năng tham gia vào các kênh phân phối hiện đại", ông Tiến chia sẻ.

Ông Tiến cũng đề nghị các đơn vị thương mại cần thấy được tiềm năng, lợi thế và hiểu được những khó khăn của các chủ thể OCOP.  Từ đó có những chính sách phù hợp để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Trong phần phát biểu khai mạc, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay, tỉnh có nhiều tiềm năng của rừng, biển và hệ sinh thái động vật phong phú... vì thế đã tạo nên nhiều đặc sản địa phương, góp phần thúc đầy Chương trình OCOP trên địa bàn phát triển mạnh mẽ.

Qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay tỉnh có 145 sản phẩm được công nhận OCOP (32 sản phẩm 4 sao, 113 sản phâm 3 sao). Hiện có 42 sản phẩm OCOP đã đưa vào các hệ thống siêu thị, liên kết với các đại lý phát triển thị trường ngoài tỉnh và kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Hoàng Thọ)

"Đặc biệt 100% các sản phẩm OCOP Cà Mau đều được đưa lên trang sàn thương mại điện tử của tỉnh madeincamau.com", ông Sử nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, các chủ thể OCOP của tỉnh nói riêng và các tỉnh, thành nói chung hầu hết là các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp tương đối nhỏ, nên năng lực tiếp cận thị trường còn khó khăn, khả năng nắm bắt, thích ứng để linh hoạt thay đổi theo xu hướng, thị hiếu còn hạn chế.

"Hội nghị hôm nay cùng với các hoạt động chia sẻ, kết nối giữa các bên sẽ góp phần hỗ trợ tích cực cho các chủ thể OCOP tỉnh Cà Mau, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương khác trên toàn quốc tìm được cơ hội hợp tác, xây dựng kênh liên kết, tiêu thụ ổn định thông qua các hệ thống siêu thị và các nhà phân phối, thương mại", ông Sử nhận định.

Hoàng Thọ

Tin mới