Cà Mau có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng địa phương. Việc quảng bá, giới thiệu nông sản nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng được chủ thể, các cấp, các ngành quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức.
Trong đó, chuyển đổi số là một trong những xu thế tất yếu hiện nay để đưa sản phẩm OCOP của tỉnh tiến xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã công nhận 119 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận nhìn chung có sự tăng trưởng đáng kể về giá trị và doanh thu góp phần tạo thu nhập ổn định cho nguồn lao động nông thôn. Bên cạnh việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, việc mở rộng thị trường là vấn đề được chủ thể và các cấp, các ngành quan tâm.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Bà Trương Hà Phương Anh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) cho biết, thời gian qua, chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh đã đạt được các kết quả tích cực như việc mua, bán trên các sàn thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng hoá đơn điện tử, nộp thuế điện tử, mã vạch, mã QR truy xuất nguồn gốc...
Các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng mang thương hiệu của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử của tỉnh: madeincamau.com, Postmart; các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước: Sendo, Shopee, Lazada, Tiki…; Alibaba, Amazon…
Thời gian tới, iPEC sẽ phối hợp cùng các sở, ban, ngành đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, các chủ thể OCOP chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
"Chúng tôi rất cần sự phối hợp của các sở ban, ngành và UBND các huyện và thành phố Cà Mau và sự hưởng ứng, tích cực của từ chính các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Bản thân mỗi doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số trong thương mại hóa sản phẩm để tận dụng những thời cơ mới, phát triển sản xuất kinh doanh”, bà Trương Hà Phương Anh nói.
Hiện, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi từ phương thức bán hàng truyền thống sang phương thức bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Với hình thức này giúp tiếp cận được nhiều khách hàng và mở rộng thị trường tốt hơn.
Nhân viên Hợp tác xã ba khía Đầm Dơi đóng gói sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP trước khi đưa ra thị trường. (Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng)
Bà Trần Thị Xa, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã ba khía Đầm Dơi (xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi) cho biết, trước khi thực hiện quảng bá, tiêu thụ sản phẩm bằng chuyển đổi số, bán hàng theo phương thức truyền thống là đã ổn định, an toàn và đáp ứng được yêu cầu thị trường.
Tuy nhiên, từ khi tham gia vào chương trình OCOP, được tiếp cận với các nền tảng số bà mới nhận thấy, thị trường thông qua chuyển đổi số có thể rộng lớn hơn những gì bà nghĩ.
"Chỉ sau thời gian ngắn ứng dụng bán hàng trực tuyến qua một số trang mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, nhất là kênh Tiktok, đơn hàng đã tăng lên đáng kể, thương hiệu về sản phẩm ba khía Đầm Dơi được khách hàng nhận diện tốt hơn", bà Xa chia sẻ.
Theo bà Xa, chuyển đổi số đã tạo được cơ hội lớn cho chủ thể OCOP, việc bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội sẽ dễ thu hút sự quan tâm của thị trường trên cộng đồng mạng, đây là kênh tiêu thụ sản phẩm tiềm năng cần được áp dụng rộng rãi.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, thời gian qua việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, nhất là đối với hoạt động kinh tế số.
Trong đó, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ trên 8%, vượt so với mục tiêu đề ra trong năm 2023 là 8%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; số lượng người dân, doanh nghiệp sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt đã có bước phát triển, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch;
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt (giữa) chụp hình lưu niệm tại các gian hàng trưng bày sản phẩm chuyển đổi số chiều 9/10.
Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau” đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật, đưa tỉnh Cà Mau đạt 85,54/100 điểm trên bảng chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử, vươn lên đứng đầu cả nước trong nhiều tháng liên tục.
Tuy nhiên, ông Việt cho rằng, công tác chuyển đổi số còn chậm, năm 2022 đạt thấp. Bên cạnh đó, thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.
"Nhưng với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh nhà đã không ngừng nỗ lực, vươn lên vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh góp phần ổn định cho kinh tế của tỉnh. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản trị, sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động", Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhận định.