Cơ quan quản lý Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy Jack Ma làm điều mà vị tỷ phú này dường như chống lại từ lâu: chia sẻ kho dữ liệu tín dụng tiêu dùng được thu thập bởi công ty tài chính khổng lồ của ông.
Nó phần nào cũng phản ánh mối lo ngại của Bắc Kinh vào việc những đại gia công nghệ nước này đang vượt tầm kiểm soát của giới chức năng và trở thành mối đe dọa với sự ổn định tài chính của đất nước.
Các nhà quản lý Trung Quốc cho rằng, Ant Group đang có lợi thế cạnh tranh thông qua nền tảng thanh toán trực tuyến khổng lồ do họ phát triển lớn hơn nhiều so với các tổ chức cho vay, thậm chí là các ngân hàng lớn. Và đây là điều họ muốn chấn chỉnh.
Vì là một phần trong hệ sinh thái của Alibaba, Ant Group được thừa kế một cơ sở dữ liệu khổng lồ.
Nhân viên của Ant Group tại Hàng Châu. (Ảnh: WSJ)
Ant Group hiện duy trì một nguồn dữ liệu phong phú về thói quen chi tiêu, hành vi đi vay của người tiêu dùng, lịch sử thanh toán của họ cũng như các khoản vay.
Được trang bị các thông tin đó, Ant Group tạo ra các khoản vay cho hơn nửa tỷ người và có khoảng 100 ngân hàng thương mại cung cấp phần lớn nguồn vốn.
Giờ đây, giới chức Trung Quốc đang tìm cách lật ngược mô hình kinh doanh này vì lo ngại nó sinh lời cho các công ty nhưng lại đi kèm với những nguy cơ tiềm ẩn cho hệ thống tài chính của đất nước.
Wall Street Journal dẫn lời các quan chức và cố vấn chính phủ thông thạo về vấn đề này cho biết giới chức Trung Quốc hiện không chỉ quản lý hoạt động kinh doanh cho vay của Ant Group như một ngân hàng mà còn có kế hoạch phá vỡ điều mà họ coi là độc quyền dữ liệu của công ty này.
Ant Group từ chối bình luận về các thông tin liên quan.
Nguồn tin của WSJ tiết lộ, một kế hoạch đang được xem xét sẽ yêu cầu hãng này cung cấp dữ liệu của mình để hòa vào hệ thống báo cáo tín dụng toàn quốc do ngân hàng trung ương quản lý.
Một lựa chọn khác là Ant Group chia sẻ thông tin đó với một công ty xếp hạng tín dụng mà ngân hàng trung ương kiểm soát.
"Làm thế nào để điều chỉnh độc quyền dữ liệu là trọng tâm của vấn đề", một cố vấn của Ủy ban chống độc quyền của Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết.
Tại Mỹ, các nhà lập pháp cũng đang tăng cường nỗ lực trấn áp các gã khổng lồ công nghệ khi cho rằng những ông lớn như Facebook, Google đã sử dụng một lượng lớn dữ liệu để loại bỏ các đối thủ.
Một số nhà phân tích về lĩnh vực công nghệ-tài chính của Trung Quốc đồng ý rằng các công ty như Ant Group nên chia sẻ dữ liệu người dùng vì lợi ích chung.
"Công khai lịch sử tín dụng là điều tốt. Nó có thể giúp việc cho vay trở nên cạnh tranh hơn và ngăn chặn vay nợ quá mức”, Martin Chorzempa - nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho hay.
Trong nhiều năm, các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc, dẫn đầu là ngân hàng trung ương đã nỗ lực xây dựng một hệ thống chấm điểm tín dụng như một cách giúp các tổ chức cho vay trên khắp Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc đánh giá rủi ro tín dụng và mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho các công ty cùng cá nhân.
Nỗ lực này là một phần của sáng kiến "quản trị kỹ thuật số" rộng hơn nhằm khai thác tốt hơn dữ liệu và công nghệ để khả năng kiểm soát kinh tế và xã hội.
Trong giới kinh doanh Trung Quốc, Jack Ma được xem là doanh nhân nổi tiếng nhất. Ông cũng là người hỗ trợ cho chính phủ theo nhiều cách khác nhau.
Jack Ma tại một sự kiện của Ant Group. (Ảnh: Bloomberg)
Alibaba - được Jack Ma sáng lập năm 1999 đã giúp chính quyền lùng bắt nhiều nghi phạm nhờ nguồn dữ liệu khổng lồ của mình. Ứng dụng thanh toán Alipay của Ant Group cũng cung cấp chức năng truy tìm thông tin liên lạc giúp Bắc Kinh ngăn chặn đại dịch.
Nhưng trong vài năm qua, Jack Ma dường như đang chống lại việc cung cấp nhiều hơn các dữ liệu cá nhân mà Ant Group nắm giữ.
Năm 2015, Ant Group bắt đầu hệ thống chấm điểm tín dụng của riêng mình, được gọi là Zhima Credit. Hệ thống này chỉ định xếp hạng cho nhiều cá nhân và doanh nghiệp nhỏ chưa có lịch sử tín dụng ở nơi khác.
Ba năm sau, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thành lập công ty báo cáo tín dụng cá nhân Baihang Credit. Ant Group và 6 công ty khác bao gồm của Tencent là cổ đông thiểu số của Baihang Credit.
Ý tưởng cho sự ra đời của Baihang Credit là để Ant Group và các công ty khác chia sẻ dữ liệu tín dụng khách hàng của họ. Nhưng kế hoạch này đã thất bại.
Ant Group từ chối đóng góp những gì họ coi là dữ liệu độc quyền của mình để duy trì khả năng cạnh tranh. Trong khi đó, tham vọng của Zhima Credit bị thu hẹp và trở thành một chương trình dành cho các khách hàng thân thiết.
Bản thân Jack Ma cũng đang bị nhấn chìm trong cơn bão quy định những tháng gần đây.
Trong bài phát biểu tại Thượng Hải hồi tháng 10, nhà sáng lập Alibaba chỉ trích các quy định lạc hậu sẽ bóp nghẹt sự đổi mới của ngành công nghiệp tài chính. Những phát ngôn này kéo theo một loạt hệ lụy. Trước hết, Ant Group phải hủy đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu trị giá 35 tỷ USD hồi tháng 11/2020 và được yêu cầu chấn chỉnh hoạt động cho vay cùng các hoạt động tài chính tiêu dùng khác.
Sau đó, giới chức Trung Quốc áp dụng các hạn chế bổ sung đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, đề xuất các quy định mới để hạn chế sự thống trị của các gã khổng lồ Internet và phạt Alibaba cùng một đơn vị của Tencent vì các vụ mua lại từ nhiều năm trước.
Hồi cuối tháng 12, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vạch ra lộ trình để Ant Group tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của mình. Trong tuyên bố đưa ra, Phó thống đốc ngân hàng này công khai chỉ trích Ant Group vì "bất chấp các quy định".
Bản thân Jack Ma cũng vắng bóng suốt hai tháng qua.
Trong những tuần gần đây, Ant Group đã thu hẹp lại một số bộ phận, giảm giới hạn tín dụng cho một cá nhân đi vay và loại bỏ các gói gửi tiền trực tuyến mà giới chức không mấy hài lòng.