Varius (thành phố Kuhmo, tỉnh Oulu, vùng Kainuu, Phần Lan) là một trong 4 cửa khẩu vẫn mở sau quyết định của Helsinki đóng cửa các địa điểm biên giới ở phía nam trong bối cảnh có cáo buộc rằng Nga đang "đưa" người di cư và người xin tị nạn từ các nước thứ ba đến Phần Lan.
“Tại đồn biên phòng Vartius, các rào chắn tạm thời đang được xây dựng ở khu vực biên giới. Lực lượng Phòng vệ Phần Lan cũng đã được điều động để hỗ trợ Bộ đội Biên phòng trong công tác xây dựng”, đồn biên phòng Vartius cho biết trong một thông báo trên mạng xã hội ngày 19/11 (giờ địa phương).
Lực lượng Phòng vệ Phần Lan (FDF) tại đồn biên giới Vartius ở Kuhmo, Đông Phần Lan, ngày 19/11. (Ảnh: RT)
Hôm 18/11, Phần Lan đã đóng cửa các cửa khẩu ở phía đông nam là Vaalimaa, Nuijamaa, Imatra và Niirala, với lý do cần phải ngăn chặn làn sóng người xin tị nạn. Chính quyền khu vực đã báo cáo sự gia tăng các vụ vượt biên bất hợp pháp, bao gồm cả những người di cư từ Syria, Yemen và Iraq.
Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen mô tả việc đóng cửa là “một thông điệp rõ ràng gửi tới Nga”, mà ông nói rằng đang sử dụng người di cư để “đẩy nhanh cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu và làm mất ổn định sự thống nhất của EU”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Mari Rantanen cho rằng Moskva có thể “khó chịu vì điều gì đó trong hoạt động của Phần Lan”.
Theo Euronews, động thái đóng cửa biên giới đã vấp phải sự phản đối của một số cư dân Phần Lan, trong đó có người Nga sống ở Phần Lan và những người có hai quốc tịch. Hàng trăm người đã tổ chức một cuộc biểu tình ở Helsinki vào 19/11 để phản đối “bức tường sắt” mới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bác bỏ cáo buộc "quân sự hóa di cư", nhấn mạnh điều này là "hoàn toàn vô căn cứ".
“Trong lịch sử, Nga chưa bao giờ đe dọa Phần Lan. Chúng tôi không có lý do gì để đối đầu”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, đồng thời cho rằng việc đóng cửa các cửa khẩu biên giới sẽ là “một sai lầm lớn” với Helsinki.
Giống như tất cả các quốc gia thành viên EU khác, Phần Lan đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga vì cuộc xung đột đang diễn ra với Ukraine. Helsinki cũng đã từ bỏ chính sách không liên kết quân sự kéo dài hàng thập kỷ và gia nhập NATO vào tháng 4/2023.
Trong khi đó, Nga nhiều lần chỉ ra việc tiếp tục mở rộng khối quân sự do Mỹ dẫn đầu về phía đông là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến căng thẳng hiện nay với NATO.