Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thành phố xây theo trận đồ bát quái ở Trung Quốc, hoàn toàn không có đèn giao thông

(VTC News) -

Tekes hay Đặc Khắc Tư là một thành phố đặc biệt nằm ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc khi được quy hoạch theo mô hình bát quái.

Tekes có thiết kế đặc biệt như trận đồ bát quái, được đưa vào danh sách thành phố lịch sử và văn hóa của Tân Cương, Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa Xã)

Thành phố Tekes được thành lập vào năm 1937 và nhanh chóng trở nên nổi tiếng bởi lối quy hoạch độc đáo của nó. Từ quảng trường Bát Quái ở trung tâm, thành phố Tekes có tám con đường chính gồm Càn, Khôn, Tốn, Chấn, Khảm, Ly, Cấn, Đoái, mở rộng ra khắp mọi hướng. 8 con phố này kết nối với 4 tuyến đường vành đai lớn, mở rộng dần từ vùng trung tâm tới ngoại ô thành phố.

Tất cả đường xá đều được quy về một điểm là quảng trường Bát Quái có chiều cao 50m. Toàn thành phố được xây 3 vành đai vàng. Vành đai thứ nhất là quảng trường lớn, vành đai thứ 2 là các toà nhà dịch vụ công cộng và cửa hàng, vành đai thứ 3 chính là nhà ở của cư dân.

64 con đường của thành phố tạo nên nên Bát Quái 64 quẻ, đúng với số lý Kinh Dịch: 64 quẻ 386 hào. (Ảnh: Oddity Central)

Thành phố bát quái được thiết kế theo dạng, cứ khoảng 360m thì lại đặt một cung tròn. Từ trung tâm hướng ra ngoài sẽ có bốn đường tròn. Ở trong cung tròn đầu tiên có 8 cung đường, vòng 2 chia thành 16 tuyến đường, vòng thứ 3 chia thành 32 ngả, vòng thứ 4 chia thành 64 ngả. Tất cả con đường này hệ thống nên Bát Quái 64 quẻ, đúng với số lý Kinh Dịch: 64 quẻ 386 hào.

Trong Đạo giáo, bát quái đại diện cho các nguyên tắc cơ bản của thực tại, được xem như tám ý niệm có quan hệ với nhau. Đây là một khái niệm phức tạp của vũ trụ học trong Đạo giáo được ứng dụng trong nhiều hoạt động như thiên văn, địa lý, giải phẫu học, võ thuật, y học và các lĩnh vực khác.

Đây cũng là một công cụ thiết yếu trong đa số các trường phái phong thủy, được sử dụng để chọn hướng tốt cho một căn phòng hoặc một địa điểm. Nhưng hiếm khi người ta dùng bát quái để quy hoạch một thành phố. Tekes, thành phố 150.000 dân ở khu tự trị Tân Cương, đã trở thành ngoại lệ đầu tiên.

Với cách quy hoạch như vậy, đường phố của thành phố như một mê cung độc đáo. Nhìn từ trên cao, có thể thấy trung tâm là một quảng trường và tỏa ra 8 đường phố chính, mỗi con đường dài 1,2km dẫn tới các hướng khác nhau.

Một cách lý giải khác cho lối quy hoạch đặc biệt là là do thành phố được bao quanh bởi dòng sông Yili, xung quanh là thung lũng nên hàng năm khi đến mùa mưa, Tekes lại đối diện với các thiên tai lũ lụt, ngập nước. Vì vậy, việc quy hoạch như vậy được coi là giải pháp tối ưu. Thêm nữa là Tekes có độ cao dần về phía Bắc và thấp dần về phía Nam nên nhờ địa hình này, mưa lũ có đến đột ngột cũng sẽ không xảy ra tình trạng lụt.

Hình ảnh về đêm tại Tekes, thành phố được thiết kế theo hình Bát quái ở Khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. (Ảnh: china.org)

Ngoài lối quy hoạch bắt mắt, Tekes còn nổi tiếng vì hoàn toàn không có đèn giao thông. 64 con phố của Tekes đều được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng với màu sắc khác nhau, khiến thành phố trông rất đẹp mắt. Theo truyền thông Trung Quốc, nhờ hệ thống đèn chiếu sáng này cùng với đặc điểm địa hình đường xá được nối thông nhau theo hình vòng cung không gây ra tắc đường, người dân địa phương không còn cần tới hệ thống đèn giao thông. Vì vậy, hệ thống đèn giao thông của thành phố đã bị gỡ bỏ vào năm 1996.

Tuy nhiên, CCTV cho biết do người dân ở Tekes ngày càng sử dụng nhiều phương tiện cá nhân, nên cũng khó duy trì tình trạng không tắc đường. Vì vậy, tại một số điểm giao cắt, gần như phải luôn có cảnh sát giao thông điều hướng để đảm bảo việc đi lại được thông suốt. Ngoài ra, dù không có cột đèn giao thông cố định nhưng vào những giờ cao điểm, Tekes cũng có những cột đèn giao thông di động được đặt ở những điểm đông đúc để tránh tắc đường.

Tekes được đưa vào danh sách thành phố lịch sử và văn hóa của Tân Cương sau đó được nhà nước Trung Quốc công nhận là thành phố lịch sử và văn hóa cấp quốc gia năm 2007.

Phương Thảo (Tổng hợp)

Tin mới