Trong một cuộc họp báo của Bộ Y tế Thái Lan, Trưởng khoa Y dược Prasit Watanapa của Bệnh viện Siriraj xác nhận Thái Lan sẽ nối gót Đan Mạch, Na Uy và Iceland khi ngừng tiêm chủng vaccine AstraZeneca.
"Dù vaccine của AstraZeneca có chất lượng cao nhưng một số quốc gia đã tạm dừng chương trình tiêm chủng loại này", cố vấn Ủy ban Vaccine Covid-19 Thái Lan Piyasakol Sakolsatayadorn nói. "Chúng tôi cũng sẽ hoãn kế hoạch triển khai (vaccine AstraZeneca)".
Thái Lan chính thức triển khai tiêm vaccine COVID-19 từ cuối tháng 2. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Động thái nói trên của Thái Lan được cho là xuất phát từ các báo cáo của một số nước châu Âu về "nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng và rất khả dĩ" của vaccine AstraZeneca", theo Channel NewsAsia.
Trước đó, ngày 11/3, Đan Mạch đã ngưng sử dụng vaccine Covid-19 do AstraZeneca phát triển sau khi phát hiện một số cục máu đông trên cơ thể một phụ nữ 60 tuổi được tiêm chủng trước đó. Theo giới chức y tế Đan Mạch, mũi vaccine tiêm cho người này cùng đợt với lượng vaccine được triển khai tại Áo.
Na Uy và Iceland sau đó cũng nối gót Đan Mạch trong việc đình chỉ kế hoạch vaccine Covid-19. Italy và Romania cũng tạm dừng việc tiêm chủng vaccine AstraZeneca cho người dân, theo New York Times.
Hàng triệu người trên thế giới đã sử dụng vaccine của AstraZeneca mà không gặp vấn đề gì về sức khỏe. Giới chuyên gia y tế cho rằng không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy vaccine loại này trực tiếp gây ra tình trạng đông máu cho người dùng.
Trong một tuyên bố, AstraZeneca cho biết họ không tìm thấy bằng chứng về việc tăng nguy cơ thuyên tắc phổi hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu, theo dữ liệu thu được từ 10 triệu người đã tiêm vaccine của hãng này.
Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng COVID-19 vào ngày 28/2, sau khi nhận được 200.000 liều vaccine Sinovac đầu tiên từ Trung Quốc và 117.000 liều nhập của AstraZeneca.
Theo thống kê của Worldometers, tính đến ngày 12/3, Thái Lan đã ghi nhận gần 26.600 trường hợp dương tính với virus corona, trong đó có 85 ca tử vong.