Kỷ nguyên huy hoàng của HLV Park Hang Seo cùng bóng đá Việt Nam đã khép lại sau trận chung kết AFF Cup 2022. Thất bại 0-1 trước Thái Lan không thể che mờ vinh quang thầy Park đã mang lại cho đội tuyển Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, quãng thời gian chông chênh ở giai đoạn cuối của HLV Park Hang Seo đặt ra vấn đề cho đội tuyển Việt Nam, rằng chu kỳ thành công dưới bàn tay huấn luyện của ông Park đã hết.
Không còn nhà cầm quân người Hàn Quốc, đội tuyển Việt Nam phải tự lực cánh sinh, còn nền bóng đá nước nhà cần phát huy nền tảng hiện có để duy trì vị thế hiện tại.
HLV Park Hang Seo chia tay đội tuyển Việt Nam sau ngày 31/1 tới.
Bài học từ Thái Lan
Đội tuyển Thái Lan vô địch AFF Cup 2022 dù vắng gần nửa đội hình, trong đó có những trụ cột như Chanathip Songkrasin, Thanawat Seungchitthawon, Supachok Sarachat, Suphanat Muenta, Narubadin Weerawatnodom,...
Thành công của thầy trò HLV Alexandre Polking cho thấy nền móng vững mạnh của bóng đá Thái Lan, cùng bản lĩnh ở sân chơi Đông Nam Á đủ lớn để khi rơi vào thế khó, đội tuyển có biệt danh "Voi chiến" vẫn đủ sức vượt qua. Nhìn chung, bóng đá Thái Lan vẫn là hình mẫu ở khu vực để các nền bóng đá, trong đó có Việt Nam, học hỏi cái hay.
Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam không chỉ tiếp thu cái hay, mà còn phải nhìn vào cái thiếu của Thái Lan. Năm 2016, sau khi "Voi chiến" vô địch AFF Cup, đội tuyển này đã rơi vào trạng thái lưng chừng. Tức là ở Đông Nam Á, Thái Lan đã thừa mứa danh hiệu, nhưng bước ra châu Á, đội bóng khi ấy được huấn luyện bởi Kiatisak Senamuang lại không thể vươn cao.
Từ Asian Cup đến vòng loại thứ ba World Cup, đội tuyển Thái Lan đều không để lại dấu ấn. Không tìm được chiến thắng nào ở vòng loại cuối (hòa 2, thua 8), cũng chưa từng vào tứ kết Asian Cup, bóng đá Thái Lan rơi vào trạng thái lên không được, xuống cũng không xong.
Đội tuyển Việt Nam vươn mình trong 5 năm ông Park huấn luyện.
Đội tuyển Thái Lan sau đó thuê nhiều HLV đẳng cấp World Cup như Akira Nishino, Milovan Rajevac, nhưng ngay cả đấu trường AFF Cup hay SEA Games, vốn trước đây chức vô địch nằm trong tầm tay, Thái Lan cũng không thể vô địch.
Chỉ tới khi sử dụng HLV không danh tiếng nhưng hiểu bóng đá Thái Lan như ông Polking, "Voi chiến" mới giành lại uy thế ở Đông Nam Á.
Bóng đá Việt Nam cũng đang ở giai đoạn "vùng nước lợ". Sau AFF Cup 2018, thầy trò HLV Park Hang Seo nỗ lực vươn ra châu Á và quả thực đã có thành tựu, như vào tứ kết Asian Cup 2019 hay vòng loại thứ ba World Cup 2022, nhưng 8 thất bại ở vòng loại cuối cho thấy khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam và Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út còn rất xa, có khi phải mất đến vài thế hệ đẳng cấp nữa mới có thể thu hẹp.
Đội tuyển Việt Nam đang giống Thái Lan của 5 năm trước, đó là ra châu Á thì luôn đứng sau những người khổng lồ, còn trở về khu vực lại vấp phải sức cạnh tranh của Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Do đó, định hướng cho đội tuyển Việt Nam, hay xa hơn là bóng đá Việt Nam trong giai đoạn tới ra sao là nhiệm vụ cốt lõi của những người làm bóng đá.
Chiến lược hậu HLV Park Hang Seo
Theo BLV Vũ Quang Huy, bóng đá Việt Nam cần một chiến lược phù hợp để tận dụng bước đà hiện tại do HLV Park Hang Seo xây dựng. Sẽ rất lãng phí nếu những thành quả hôm nay không được kế thừa để đưa đội tuyển lên một tầm vóc mới.
"Bóng đá Việt Nam được đẩy lên một tầm cao mới mà sẽ rất lãng phí nếu ở thời điểm này những người kế thừa không tận dụng được nền tảng mà HLV Park Hang Seo đã xây dựng. Hiện nay, công tác đào tạo trẻ rất tốt, các trung tâm đào tạo chỉnh đốn khi biết tầm quan trọng của bóng đá trẻ.
Chúng ta đang có một nền móng cơ bản tốt. Các đội V-League có tiềm lực còn hạn chế, nhưng nền tảng bóng đá Việt Nam về cơ bản vẫn tốt. Chúng ta cần có hội thảo để đặt vấn đề về chiến lược hậu HLV Park Hang Seo. Chúng ta cần kế hoạch cụ thể để tận dụng bước đà hiện tại", BLV Quang Huy nhấn mạnh.
Không dễ khỏa lấp khoảng trống HLV Park Hang Seo để lại.
Chiến lược ấy có thể bắt đầu bằng việc tuyển mộ HLV trưởng mới cho đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, như nhiều lần HLV Park Hang Seo nhấn mạnh, HLV trưởng ở cấp đội tuyển chỉ tận dụng những nguồn lực mà ông có để tìm được kết quả tốt nhất. Nói cách khác, phải có "bột" mới "gột" nên hồ.
Giai đoạn HLV Park Hang Seo đến Việt Nam, bóng đá trẻ đang bùng nổ khi các trung tâm đào tạo như Hà Nội, HAGL, SLNA, Viettel,... cho ra lò những sản phẩm chất lượng. HLV Park Hang Seo đã tận dụng tốt nền móng thế hệ trẻ để đưa ĐTQG và U23 cất cánh. Nhưng phải có nguồn lực tốt, ông Park mới làm nên chuyện.
Nhà cầm quân người Hàn Quốc hay HLV kế nhiệm ông ở ĐTQG đều như vậy. Có chuyên gia giỏi là một nhẽ, nguồn lực cầu thủ tốt được xây dựng trên nền tảng vững vàng của nền bóng đá (cả đào tạo trẻ lẫn giải vô địch quốc gia), đội tuyển Việt Nam mới duy trì, rồi cải thiện chỗ đứng hiện tại trong làng bóng đá châu Á.
Bóng đá Việt Nam đã đi hết một chu kỳ thành công và chuyển mình mạnh mẽ nhờ nguồn lực tích lũy qua nhiều năm. Giờ là lúc chuẩn bị kỹ càng để mở ra một giai đoạn phát triển mới, bền vững và bứt phá hơn.