Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đọ sức mạnh tàu sân bay Nga với tàu sân bay Mỹ vừa tới Việt Nam

Chiến hạm Đô đốc Kuznetsov, hay thường được gọi là tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, hiện được coi là tàu sân bay duy nhất còn hoạt động của Hải quân Nga, có những khác biệt lớn căn bản so với tàu sân bay thuộc lớp Nitmitz của Mỹ, trong đó có tàu sân bay USS Carl Vinson vừa tới Việt Nam ngày 5/3.

Chiến hạm Đô đốc Hạm đội Liên Xô Kuznetsov, hay thường được gọi là chiến hạm Đô đốc Kuznetsov hoặc tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, là chiến hạm của Hải quân Liên Xô và sau này là của Nga.

Chiến hạm Đô đốc Kuznetsov trải qua nhiều lần đổi tên. Tên ban đầu của chiến hạm này là Riga, đến lúc hoàn thành lại mang tên Leonid Brezhnev, khi chạy thử trên biển thì mang tên Tbilisi (thủ đô Gruzia) và cuối cùng mang tên Đô đốc Kuznetsov.

Chiến hạm này thường được gọi là tàu sân bay và được coi là tàu sân bay duy nhất còn hoạt động của Nga tại thời điểm hiện tại, tuy nhiên phía Nga lại phân loại Đô đốc Kuznetsov là tuần dương hạm hạng nặng mang tên lửa có điều khiển (TAVKR).

Tàu sân bay/tuần dương hạm hạng nặng mang tên lửa có điều khiển Đô đốc Kuznetsov. (Ảnh: Reuters)

Đây chính là khác biệt lớn nhất giữa tàu sân bay/tuần dương hạm hạng nặng Đô đốc Kuznetsov và các tàu sân bay lớp Nitmitz của Mỹ, xuất phát từ khác biệt trong học thuyết quân sự của Liên Xô trước đây so với Mỹ. Là tuần dương hạm hạng nặng mang tên lửa có điều kiển, chiến hạm Đô đốc Kuznetsov không cần tàu hộ tống và có thể độc lập tác chiến chống lại các loại chiến hạm khác.

Chiến hạm Đô đốc Kuznetsov mang theo lượng tên lửa cực lớn, trước tiên là 12 tên lửa chống hạm P-700 Granit được bố trí ở khoang phóng thẳng đứng phía mũi tàu. Tên lửa hành trình chống hạm P-700 Granit có trọng lượng lên đến 7 tấn với đầu đạn 750 kg, đủ sức vô hiệu hóa tàu sân bay hay thậm chí đánh chìm nhiều loại chiến hạm.

Chiến hạm Đô đốc Kuznetsov có khả năng phòng không rất mạnh với 24 khoang phóng 8 ống chứa tên lửa phòng không tầm thấp và tầm trung 3K95 Kinzhal, với tổng số 192 tên lửa. Tốc độ phóng của hệ thống phòng không trên chiến hạm Đô đốc Kuznetsov là 1 tên lửa/3 giây.

 Khoang chứa tên lửa chống hạm P-700 Granit phía mũi chiến hạm Đô đốc Kuznetsov. (Ảnh: TD)

Ngoài ra, chiến hạm Đô đốc Kuznetsov được trang bị 6 tổ hợp phòng thủ tầm gần AK-630 với pháo 6 nòng 30 mm có tốc độ bắn 6.000 viên đạn/phút, cùng 8 tổ hợp phòng thủ tầm gần Kashtan. Mỗi tổ hợp Kashtan bao gồm 2 pháo 6 nòng GSh-30K 30 mm và 2 tổ hợp tên lửa phòng không 9M311 với 4 tên lửa trong trạng thái sẵn sàng bắn cùng hệ thống nạp đạn tự động chứa 32 tên lửa. Ngoài ra, chiến hạm còn có hệ thống phản lực chống ngầm Udav-1.

Còn tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) về bản chất là tàu sân bay, chiến hạm này đóng vai trò là căn cứ không quân trên mặt biển nên sức mạnh thực sự là phi đội chiến cơ trên tàu sân bay này. Khả năng phòng không của USS Carl Vinson tương đối yếu hơn nếu so với chiến hạm Đô đốc Kuznetsov, tàu sân bay của Mỹ chỉ có 4 tổ hợp phòng không và 3 tổ hợp phòng thủ tầm gần.

Video: Chiến cơ cất cánh và hạ cánh trên chiến hạm Đô đốc Kuznetsov

Do đó, tàu sân bay USS Carl Vinson luôn di chuyển trong biên đội tàu sân bay, các chiến hạm khác sẽ đóng vai trò phòng thủ cho toàn bộ biên đội.

Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 5/3 đến ngày 9/3, tàu sân bay USS Carl Vinson được hộ tổng bới tuần dương hạm USS Lake Champlain (CG-57) và khu trục hạm USS Wayne E. Meyer (DDG-108), cả 2 chiến hạm này đều mang theo lượng lớn tên lửa có điều khiển các loại.

Thiết kế của chiến hạm Đô đốc Kuznetsov khác hoàn toàn so với USS Carl Vinson, do chiến hạm Đô đốc Kuznetsov được phân loại là tuần dương hạm hạng nặng chở máy bay, còn USS Carl Vinson là tàu sân bay đúng nghĩa. Chiến hạm Đô đốc Kuznetsov có thiết kế boong phóng kiểu nhảy cầu với mũi hướng lên trên, còn USS Carl Vinson có boong phẳng và sử dụng máy phóng hơi nước để hỗ trợ chiến cơ cất cánh.

 Tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70). (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Xét về kích thước, các tàu sân bay lớp Nitmiz của Mỹ, trong đó có USS Carl Vinson, có lượng giãn nước lên đến 106.000 tấn, gần gấp đôi so với chiến hạm Đô đốc Kuznetsov của Nga với lượng giãn nước 55.000 tấn. Tàu sân bay lớp Nitmitz có chiều dài 332 m, dài hơn chiến hạm Đô đốc Kuznetsov với chiều dài 305 m, đồng thời tàu sân bay của Mỹ có lượng thủy thủ đoàn lên đến 5.000 người, trong khi đó chiến hạm Đô đốc Kuznetsov có thủy thủ đoàn 1.500 người.

Khác biệt lớn cuối cùng, chiến hạm Đô đốc Kuznetsov sử dụng động cơ diesel trong khi tàu sân bay USS Carl Vinson thuộc lớp Nitmitz sử dụng động cơ năng lượng hạt nhân, do đó hải trình về lý thuyết của USS Carl Vinson là vô hạn còn chiến hạm Đô đốc Kuznetsov có tầm hoạt động tối đa 15.700 km với tốc độ 18 hải lý (33 km/h).

Tàu sân bay/tuần dương hạm hạng nặng mang tên lửa có điều khiển Đô đốc Kuznetsov.  (Ảnh: Hải quân Nga)

Mặc dù chiến hạm Đô đốc Kuznetsov không phải là tàu sân bay theo phân loại của Nga, cũng như không giống với tàu sân bay của Mỹ, chiến hạm này nhiều lần gặp sự cố trong quá trình vận hành song chiến hạm Đô đốc Kuznetsov vẫn có sức mạnh đáng gờm.

Năm 2016, chiến hạm Đô đốc Kuznetsov tham gia chiến dịch chống khủng bố của Nga tại Syria, mặc dù truyền thông Anh chế giễu màn khói đen kịt của Đô đốc Kuznetsov song Hải quân Hoàng gia Anh vẫn phải cử chiến hạm của mình đi kèm Đô đốc Kuznetsov khi chiến hạm này băng ngang Eo biển Manche.

Tháng 9/2017, truyền thông Nga đưa tin quá trình đại tu chiến hạm Đô đốc Kuznetsov sẽ bắt đầu vào đầu năm 2018 và dự kiến quá trình này sẽ diễn ra trong vòng 2 năm. Hiện tại, chiến hạm Đô đốc Kuznetsov thuộc biên chế Hạm đội Phương Bắc và là soái hạm của Hải quân Nga.

Nguyễn Tiến

Tin mới