Theo trang The Guardian (Anh), Gazprom đã báo cáo lợi nhuận ròng 2.500 tỷ rúp (khoảng 41,5 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh giá dầu và khí đốt tăng cao do lo ngại về nguồn cung sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Điện Kremlin sở hữu 49,3% cổ phần của Gazprom. Do đó, Chính phủ Nga sẽ được chia lợi nhuận 1,210 tỷ rúp, sau khi hội đồng quản trị đề xuất khoản thanh toán 51,03 rúp cho mỗi cổ phiếu của các nhà đầu tư. Quyết định này sẽ được đưa ra đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào ngày 30/9 tới.
(Ảnh: Reuters)
Doanh thu kỷ lục của Gazprom cho thấy bước lùi trong nỗ lực bóp nghẹt nền kinh tế Nga của phương Tây thông qua các lệnh trừng phạt. Châu Âu đã dần loại bỏ dầu và khí đốt của Nga nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng của nước này, thay vào đó, Nga đã tăng cường xuất khẩu dầu sang châu Á. Việc Gazprom cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu cũng khiến giá cả khí đốt tăng cao.
Phó Giám đốc điều hành của Gazprom, ông Famil Sadygov, cho biết: “Bất chấp áp lực trừng phạt và môi trường bên ngoài đầy bất lợi, Tập đoàn Gazprom vẫn đạt doanh thu và lợi nhuận ròng kỷ lục trong nửa đầu năm 2022, đồng thời giảm nợ ròng và đòn bẩy xuống mức tối thiểu”.
Hồi tháng 6, Gazprom đã quyết định không thực hiện chia cổ tức hằng năm, lần đầu tiên hoạt động này bị bỏ qua từ năm 1998. Quyết định này đã khiến giá cổ phiếu của tập đoàn giảm gần 30% chỉ trong 1 ngày.
Hôm 31/8, Nga xác nhận cắt nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 đến châu Âu trong 3 ngày để bảo trì. Gazprom đã cắt giảm sản lượng khí đốt của mình trong những tháng gần đây xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008. Hồi tháng 7, Gazprom từng khoá van khí đốt qua Nord Stream để bảo trì trong 10 ngày, nhưng sau đó, nguồn cung chỉ đạt 20% công suất trong bối cảnh liên tiếp xảy ra sự cố không trả lại thiết bị do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
(Ảnh minh hoạ: Reuters)
Giám đốc điều hành của Gazprom, ông Alexei Miller, nói rằng công ty Siemens Energy (Đức) không thể bảo trì thiết bị thường xuyên cho đường ống Nord Stream 1. Người đứng đầu tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga cho hay hoạt động bảo trì thiết bị Nord Stream 1 không thể thực hiện được vì các lệnh trừng phạt của phương Tây, theo hãng tin Interfax.
Cùng ngày, Nga cũng tuyên bố giảm lượng khí đốt cung cấp cho công ty Engie của Pháp sau khi công ty này từ chối thanh toán đầy đủ lượng khí đốt đã giao hồi tháng 7. Động thái này làm gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến kinh tế giữa Nga và EU, cũng như làm tăng nguy cơ suy thoái và ảnh hưởng đến việc phân bổ năng lượng ở một số quốc gia trong khu vực.
Các chính phủ châu Âu cho rằng Nga đang “vũ khí hóa khí đốt” trong cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Moskva đã phủ nhận cáo buộc này và giải thích việc cắt giảm nguồn cung là vì lý do kỹ thuật.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu đang lên kế hoạch khẩn cấp để kiểm soát giá năng lượng vì lo ngại giá điện tăng vọt và nguy cơ mất điện trong mùa đông năm nay.
Trung bình, lượng khí đốt dự trữ ở các quốc gia châu Âu đang vượt mục tiêu do EU đặt ra trước mùa đông. Các cơ sở lưu trữ của châu Âu hiện chứa khoảng 84 tỷ m3 khí tự nhiên, vượt trước mục tiêu 65 tỷ m3 vào ngày 1/9 và gần đạt mục tiêu 88 tỷ m3 của tháng 11.
Theo công ty tư vấn năng lượng Aurora, các quốc gia Pháp, Ba Lan, Italy và Cộng hòa Séc đã đạt mục tiêu của tháng 11. Latvia là quốc gia duy nhất đạt mục tiêu của tháng 9. Đức là quốc gia có nhiều không gian lưu trữ nhất cần lấp đầy - ở mức 2,6 tỷ m3, vì nước này có mục tiêu cao hơn và cơ sở lưu trữ rộng lớn.