Câu chuyện lựa chọn trung tâm hoặc giáo viên dạy kèm tiếng Anh cho con khiến không ít phụ huynh phải đau đầu. Một số người đặt ra yêu cầu giáo viên cần có trình độ sư phạm nhất định. Tuy nhiên, không ít người lựa chọn giáo viên có chứng chỉ IELTS, thậm chí coi IELTS là yếu tố quyết định việc cho con theo học.
“Tôi không hiểu rõ về IELTS. Tuy nhiên, tôi thấy chương trình tiếng Anh trên trường của con phải học 4 kỹ năng, IELTS cũng tính điểm dựa trên 4 kỹ năng này. Vì vậy, khi tìm gia sư cho con theo học, tôi cũng muốn tìm người dạy có chứng chỉ IELTS. Điểm IELTS càng cao, tôi càng yên tâm gửi con”, chị Kim Hồng (38 tuổi, TP.HCM) chia sẻ với Zing.
Nhiều phụ huynh coi chứng chỉ IELTS là tiêu chí đánh giá trình độ giáo viên. (Ảnh: Pro Docs Express).
Con gái chị Hồng đang học lớp 7 tại một trường THCS công lập ở TP.HCM. Chị Hồng cho biết bé nhà chị từng học tiếng Anh tại các trung tâm. Tuy nhiên, kết quả không được như mong đợi, một phần bởi lớp đông, con không được giáo viên sát sao nhiều.
Cuối cùng, chị Hồng quyết định tìm gia sư dạy kèm 1:1 cho con. Chị cho hay ban đầu, chị không có chủ đích tìm giáo viên có IELTS bởi chính bản thân chị cũng không hiểu rõ về chứng chỉ này. Chỉ đến khi người bạn nhắc đến, chị mới tìm hiểu và biết IELTS có thể đánh giá năng lực ngoại ngữ của một người.
Từ đó, chị chuyển sang tìm người dạy có IELTS từ 7.5 trở lên, dù nhu cầu của con gái chỉ là bổ sung kiến thức trên lớp, không luyện thi IELTS. Trò chuyện với bạn, chị Hồng được giới thiệu một gia sư tiếng Anh. Thời điểm đó, gia sư này đang là sinh viên năm 3 ngành Kinh tế, có chứng chỉ IELTS 7.5 đúng như yêu cầu của chị.
“Theo tôi, người có điểm số IELTS cao có thể chứng minh khả năng tiếng Anh của họ. Với người không có chuyên môn như tôi, việc đánh giá trình độ dễ nhất có lẽ thông qua chứng chỉ này. Ngoài ra, việc tìm một người có chứng chỉ IELTS dễ hơn so với tìm một giáo viên hay sinh viên có trình độ sư phạm tiếng Anh”, chị Hồng chia sẻ.
Các buổi học tại nhà, chị Hồng không can thiệp quá nhiều vào chương trình giảng dạy của 2 cô trò, vì vậy, chị không biết rõ con được học những gì. Tuy nhiên, theo quan sát, chị đánh giá con được dạy khá bài bản.
Sau gần một năm, nhận thấy khả năng tiếng Anh của con có tiến bộ, giáo viên tại trường cũng nhận xét con tự tin nói tiếng Anh trước lớp hơn trước, chị Hồng càng tự tin vào lựa chọn tìm giáo viên có IELTS của bản thân.
Tuy nhiên, do chi phí học 1:1 khá tốn kém, thời gian tới, chị Hồng sẽ cho con quay lại việc học tại trung tâm. Nếu tiếp tục không hiệu quả, chị buộc quay về với phương án cho con học cùng gia sư có IELTS.
Chị Tươi lựa chọn giáo viên vừa có trình độ sư phạm, đồng thời có IELTS cho con theo học. (Ảnh: Telegraph).
Khác với chị Hồng, chị Tươi Trần (40 tuổi, Hà Nội) đặt yêu cầu giáo viên cần có trình độ sư phạm lên trước. Dù vậy, giữa nhiều giáo viên có trình độ sư phạm, chị Tươi vẫn tin tưởng giáo viên có thêm chứng chỉ IELTS.
“Tôi sống tại khu vực ngoại thành, trung tâm Anh ngữ hay giáo viên dạy tiếng Anh không nhiều, người có IELTS lại càng ít. Tâm lý chung cái gì ít thường tốt hơn, vì vậy, tôi lựa chọn giáo viên vừa có trình độ sư phạm, đồng thời có IELTS cho con theo học”, chị Tươi nói.
Theo đó, từ lớp 8, chị Tươi đã cho con học cùng giáo viên dạy tiếng Anh có IELTS 8.0. Hiện tại, con gái chị Tươi đang học lớp 10, mục tiêu thi IELTS để xét tuyển đại học ngành Ngôn ngữ Anh. Vì vậy, theo chị Tươi, việc theo học giáo viên có chứng chỉ IELTS là phù hợp.
“Ba năm nay, con gái tôi vẫn theo học giáo viên này. Tôi thấy con xem phim nước ngoài không cần thuyết minh. Khả năng giao tiếp của cháu ổn, cách phát âm được đánh giá chuẩn hơn các bạn cùng lớp. Tôi nghĩ lựa chọn theo học giáo viên có IELTS là đúng”, chị Tươi kể.
Trong khi đó, cô Huyền Trang - giảng viên tại Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS chỉ đánh giá năng lực làm bài thi của một người. Khi tìm giáo viên ngoại ngữ để con theo học, phụ huynh có thể nhìn vào chứng chỉ như một điều kiện cần, tuy nhiên, không thể thiếu điều kiện đủ là trình độ sư phạm.
Theo cô Trang, nếu phụ huynh chỉ quan trọng chứng chỉ của giáo viên, không ít các vấn đề tiêu cực sẽ xuất hiện như người dạy chạy đua, tập trung “cày” chứng chỉ cao, bỏ qua các yếu tố như nghiên cứu về giáo dục, tâm lý học sinh, rèn giũa nghiệp vụ. Bên cạnh đó, các trung tâm, lớp học mở ra tràn lan trong khi người dạy không có gì ngoài chứng chỉ IELTS.
Đồng quan điểm, Lê Quang Hưng - founder một trung tâm tiếng Anh ở TP.HCM - cũng cho rằng chứng chỉ IELTS chỉ đánh giá được kỹ năng học và thi trong phạm vi kỳ thi IELTS. Nếu phụ huynh cho con học tiếng Anh nói chung, việc giáo viên có chứng chỉ IELTS hay không hoàn toàn không liên quan đến nhau.
Anh Hưng dẫn chứng vài trường hợp, dù tiếp xúc với tiếng Anh trong một thời gian dài, có điểm IELTS cao, khả năng giảng dạy của người này lại không tốt. Nguyên nhân của những trường hợp này được cho là không thực sự hiểu được khó khăn của một người còn yếu mất gốc đang bắt đầu học.
“Một người có IELTS cao không có nghĩa sẽ giảng dạy tốt và hiệu quả. Tương tự, không phải cứ học nghiệp vụ hay giảng dạy nhiều sẽ có kỹ năng sư phạm tốt. Điều quan trọng, người dạy cần nhìn ra khó khăn của người học, đặt mình vào vị trí của họ, từ đó rút ra cách giảng dạy phù hợp với học viên”, anh Hưng nói.
Tuy nhiên, anh Hưng khẳng định dù không phải là điều kiện duy nhất và quan trọng nhất, việc giáo viên thi IELTS để phục vụ cho việc giảng dạy là điều cần thiết.
Chị Thanh Hằng - giáo viên tại một trung tâm anh ngữ ở Hà Nội - khuyên phụ huynh hiện nay cần sáng suốt hơn trong việc lựa chọn giáo viên cho con theo học. Theo đó, khi tìm hiểu về trung tâm hay giáo viên, phụ huynh có thể dùng nhiều cách để kiểm tra năng lực của họ thay vì chỉ nhìn vào IELTS.
“Thực tế, nhiều phụ huynh sẵn sàng ngồi học thử cùng con để đánh giá cách giảng dạy cùng năng lực ngoại ngữ giáo viên thể hiện ra bên ngoài. Sau đó, họ xem xét đến việc con có hứng thú, phù hợp với phương pháp giảng dạy hay không. Cuối cùng mới quyết định cho con theo học”, chị Hằng nói.