Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Từ kém tiếng Anh đến nhà khoa học 'ảnh hưởng nhất thế giới'

(VTC News) -

Sau 32 năm nỗ lực, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên thành danh trở về nước mang theo khát vọng định vị khoa học Việt Nam trên bản đồ thế giới.

“Tôi được sống lại những cảm xúc mà 32 năm nay chưa có được", vị giáo sư sinh năm 1970 Nguyễn Thục Quyên (Đại học California, Hoa Kỳ) nói trong lần trở về quê hương đầu năm 2022, với vai trò là đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo giải thưởng VinFuture. Chị chia sẻ về hành trình vượt khó để trở thành nhà khoa học 4 năm liền được tổ chức Thomson Reuters và Clarivate Analytics bình chọn trong top 1% nhà nghiên cứu khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới.

Từng không biết tiếng Anh

Nguyễn Thục Quyên sinh ra trong gia đình 5 anh chị em ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Gia cảnh khó khăn, nên mới 5 tuổi cô bé Quyên đã phải phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, kiếm củi nấu cơm, đào khoai, câu cá... Cuộc sống nghèo túng đeo bám, cho đến năm 1986, gia đình mở được tiệm phở ở Bến Đá (TP Vũng Tàu), kinh tế mới ổn định, và Quyên được đi học ở trường Trung học Trần Nguyên Hãn.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên (Đại học California, Hoa Kỳ).

Tháng 7/1991, chị cùng gia đình sang Mỹ định cư. Hai năm đầu, các anh chị em của chị luôn đòi về Việt Nam vì không biết tiếng Anh và không thích nghi được phong tục tập quán ở Mỹ. Nhưng chị lại thấy ổn vì được làm điều mình thích mà không sợ người khác dị nghị. 

Tuổi thơ khó khăn rèn cho chị tính sáng tạo, sự kiên nhẫn, cũng là động lực để chị cố gắng nhiều hơn. “Dù nghèo khó nhưng tôi tin nghị lực học tập của tôi cao hơn các bạn đồng trang lứa, đặc biệt là học sinh Mỹ rất nhiều”, chị nói.

Khi mới đi học ở Mỹ, chị bị giáo viên chế nhạo trước cả lớp vì khả năng nói tiếng Anh kém. “Một ông người Mỹ từng nói với tôi: “Hãy về nước của cô đi!”. Thậm chí có bạn ở trường không bao giờ nói chuyện với tôi, mặc dù tôi đã cố gắng để nói chuyện với anh ta vài lần”, Giáo sư nhớ lại.

Tháng 9/1993, Nguyễn Thục Quyên xin học ở Đại học Santa Monica, nhưng không được nhận vì tiếng Anh kém. Chị phải năn nỉ nhà trường cho học thử 1 kỳ và hứa nếu không đạt điểm số nhất định sẽ xin thôi học. Để hòa nhập tốt hơn, chị quyết tâm học tiếng Anh thật nhanh. Ban ngày đi học ở trường, tối đến chị học thêm ở nhiều nơi. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng chị cũng được nhận vào học chính thức. 

Để đủ tiền học, nữ sinh gốc Đắk Lắk khi ấy xin làm thêm trong thư viện trường 5 tiếng mỗi ngày và phải vay thêm tiền của Chính phủ. GS Quyên tâm sự, con đường đến với khoa học của chị không giống những nhà khoa học khác. Chị vốn hứng thú với lịch sử thế giới, yêu văn học và thích địa lý, nhưng ngặt nỗi khi sang Mỹ, để theo các môn đó phải "tra từ điển muốn chết luôn". Thế là chị "nhảy" sang lớp toán, rồi nhận ra bản thân học môn tự nhiên cũng khá. Sau đó, chị dần hứng thú với hóa học và bắt đầu theo đuổi bộ môn này.

Tháng 9/1995, chị xin chuyển lên Đại học California (bang Los Angeles) và làm thêm công việc rửa dụng cụ trong phòng thí nghiệm của trường. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Hóa năm 1997, chị nộp đơn học cao học ngành Lý - Hóa rồi học tiếp Tiến sĩ.

Thật bất ngờ, chị là 1 trong 7 nghiên cứu sinh xuất sắc được Đại học California trao học bổng. Tháng 6/2001, chị nhận bằng Tiến sĩ và ra trường trước cả những sinh viên mà chị từng xin rửa dụng cụ thí nghiệm cho họ trước đây. Nhờ thành tích nghiên cứu xuất sắc, 3 tháng sau chị nhận được giải thưởng của liên bang đi tu nghiệp ở phòng thí nghiệm quốc gia. Tuy nhiên, chị từ chối và đến làm ở Đại học Columbia, New York.

Sau 3 năm học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, chị trở về làm việc tại Đại học California và mất hơn 2 năm xây dựng 2 phòng thí nghiệm riêng. Qua 11 năm, chị sở hữu 7 phòng thí nghiệm riêng cho nhóm nghiên cứu và đến nay, chị là một trong số ít nhà khoa học nữ 4 năm liền được vinh danh trong danh sách hơn 4.000 nhà khoa học toàn cầu vào top 1% những nhà khoa học nhiều trích dẫn nhất thế giới (HCR). Chị được mời tới hơn 200 địa điểm trên thế giới để thuyết trình cũng như nhận nhiều giải thưởng lớn cho công trình nghiên cứu.

"Bạn bè tôi ở Việt Nam vẫn thường bảo hồi ở quê học dốt mà sao qua Mỹ học giỏi thế? Tôi trả lời rằng ngày xưa làm gì có thời gian để học vì còn phải phụ giúp gia đình", giáo sư chia sẻ.

Phụ nữ làm khoa học 

Hơn 18 năm công tác nghiên cứu và giảng dạy ở Đại học California, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên luôn làm việc đến 15 tiếng mỗi ngày. Bên cạnh việc giảng dạy, chị còn làm nhiều công việc khác như: biên tập báo khoa học, tổ chức hội nghị khoa học quốc tế, hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu, tham gia ban tuyển dụng giáo sư…

 

 Phụ nữ làm khoa học không phải là con đường dễ dàng. Đã có lần tôi khóc. Tôi cũng từng nghĩ đến việc từ bỏ.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên

Nhắc lại thời gian khi trở thành giáo sư ở Mỹ, chị kể nhiều lúc “chỉ có một mình”. Việc tự xây dựng một phòng thí nghiệm từ căn phòng trống đến gây quỹ nghiên cứu, thành lập đội ngũ, hay điều hành lab của riêng mình là thách thức với người giáo sư trẻ. "Đó không phải là con đường dễ dàng. Đã có lần tôi khóc. Tôi cũng từng nghĩ đến việc từ bỏ". Thế nhưng, bản thân chị chưa bao giờ hối hận khi chọn đi theo con đường khoa học. Với chị, làm khoa học là luôn học hỏi những điều mới.

Làm khoa học đã khó, nhưng phụ nữ trong lĩnh vực này càng vất vả hơn, bởi ngoài sự nghiệp, họ còn phải lo cho gia đình. Ngay bản thân chị, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng đôi khi vẫn không nhận được sự tôn trọng của đồng nghiệp nam giới.

“Điều thiệt thòi và không may mắn là khi tôi hết mình với nghiên cứu thì người bạn đồng hành sau 12 năm chung đường đã đề nghị ly hôn. Có vẻ như khi tôi càng thành công, anh ấy càng thấy mất tự tin, cho dù cũng là giáo sư cùng ngành và cũng là một trong những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới”.

“Phần đông mọi người nghĩ phụ nữ chỉ nên làm nội trợ, lo cho chồng con, không nên có sự nghiệp riêng. Tôi muốn cho những người phụ nữ khác biết là họ có thể làm cả hai. Tôi muốn làm những điều hữu ích cho xã hội” - GS Nguyễn Thục Quyên khẳng định.

Hồi còn là nghiên cứu sinh, tham dự các hội nghị quốc tế, chị thấy hầu hết diễn giả được mời là nam, chỉ một vài người là nữ. Ngày nay, nhiều diễn giả nữ được mời hơn nhưng vẫn chỉ khoảng 25%. Còn trong các cuộc phỏng vấn tuyển giáo sư giảng dạy ngành Hóa ở một số trường đại học thì nữ giáo sư hầu như không có.

Chị hy vọng trong tương lai, sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa và xã hội công nhận rằng, phụ nữ có thể làm tốt việc nghiên cứu khoa học như các đồng nghiệp nam giới. “Con đường đi đến thành công ở Mỹ không dễ dàng. Quốc gia này thu hút rất nhiều nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, mức độ cạnh tranh lớn và khốc liệt. Đó cũng là điều dễ hiểu khi rất ít phụ nữ có thể rạng danh khi làm nghiên cứu ở xứ sở Cờ Hoa”, chị nói.

 

Về giải thưởng VinFuture, GS Nguyễn Thục Quyên rất vinh dự và hãnh diện khi đất nước có giải thưởng khoa học lớn, để cộng đồng khoa học quốc tế có cách nhìn khác về Việt Nam. Lý do khiến chị trở thành thành viên Hội đồng là “mong muốn thực hiện sứ mệnh tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người. Mọi người trên trái đất sẽ hưởng lợi từ giải thưởng này”.

Chị rất quan tâm tới những nhà nghiên cứu trẻ tại Việt Nam. Trong suốt sự nghiệp, chị đã chứng kiến những học sinh, sinh viên người Việt sáng tạo, chăm chỉ, luôn sẵn sàng học hỏi. “Nếu có những cơ hội và sự chỉ dẫn, những nhà nghiên cứu trẻ ở Việt Nam có thể đạt được những điều vĩ đại như những nhà khoa học khác trên toàn thế giới”, GS Quyên chia sẻ.

Nữ giáo sư hy vọng có thể xây dựng viện nghiên cứu với phòng lab tối tân, mở những workshop kết nối các nhà khoa học trẻ Việt Nam với thế giới bên ngoài. "Qua quỹ VinFuture, chúng tôi tin rằng những nhà khoa học trẻ có cơ hội cạnh tranh với những tên tuổi trong làng khoa học và tiến gần hơn tới ước mơ".

Hà Cường

Tin mới