Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tại sao lại khuyến khích đứa trẻ xinh như thiên thần phải hóa trang ác ma?

(VTC News) -

Sửng sốt khi những đứa trẻ nhỏ xíu, mới ở tuổi mầm non đã được bố mẹ nhồi nhét khái niệm về ma quỷ, linh hồn, thần chết, ma cà rồng... và hóa trang thành đáng sợ.

Cả tuần lễ trước Halloween, các cửa hàng bán đồ trẻ em đã ngập tràn đủ kiểu quần áo, phụ kiện hóa trang với những tạo hình ma quỷ, thần chết, ma cà rồng máu me kinh dị. Ở thành phố lớn, các phụ huynh có con nhỏ háo hức đi mua hoặc tự tay chuẩn bị đồ hóa trang cho con. Nhiều hội cha mẹ học sinh còn lên kế hoạch chuẩn bị tổ chức đêm hội Halloween cho cả lớp, mà hóa trang là phần không thể thiếu. Ai nấy đua nhau nghĩ cách nên chọn tạo hình gì, nhân vật nào để gây ấn tượng mạnh nhất, khiến người khác sợ hãi nhất.

Việt Nam có hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ, phần lớn đều có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và gợi những cảm xúc đẹp đẽ, an lành. Vậy tại sao chúng ta cứ phải chạy theo phần nổi mang tính kỳ quái của một lễ hội nước ngoài, biến nó thành trào lưu rầm rộ đến thế? Mặc dù nguồn gốc của Halloween có tính nhân văn, nhưng có vẻ phần hội liên quan đến nó ngày càng biến tướng, người ta chỉ chạy theo cái rùng rợn, ma quái để thỏa mãn tính ưa độc lạ. Giải trí cũng tốt thôi, nhưng khi quá đà, tìm vui, tìm cảm giác mạnh bằng nỗi sợ hãi hay ghê rợn, chúng ta đang đưa tâm hồn mình dần rời xa sự lành mạnh, trong trẻo, thậm chí có thể sa vào xu hướng thích sự bệnh hoạn, xấu xí lúc nào không hay.

Thật sửng sốt khi nhìn thấy những đứa trẻ nhỏ xíu, mới ở tuổi mầm non đã được bố mẹ nhồi nhét vào đầu khái niệm về ma quỷ, linh hồn, thần chết, ma cà rồng... và hóa trang với tạo hình đáng sợ.

Tại sao người lớn lại bắt hoặc khuyến khích những đứa trẻ xinh như thiên thần phải hóa thân thành thần chết, ác ma? Tại sao lại vẽ lên gương mặt đáng yêu của trẻ những hình thù kỳ dị, quái đản, đầy ám ảnh?

 

Đã có những đứa trẻ khóc thét lên khi nhìn thấy những gương mặt hóa trang kinh dị của người khác hoặc của chính mình. Có những trẻ bị ám ảnh, sợ hãi tới mức đêm về vẫn giật mình thon thót, không dám lên cầu thang hay sang phòng khác một mình. Ấy vậy mà nhiều người lớn lại vô tư chia sẻ những đoạn video đó rồi cười phá lên thích thú.

Chúng ta lo lắng bảo vệ cả thể chất lẫn tâm lý của con qua từng bữa ăn, giấc ngủ, từng cuốn sách con đọc, chúng ta cẩn thận "soi" tìm các thông điệp thiếu tích cực trong sách giáo khoa vì sợ con bị ảnh hưởng, thế nhưng lại cười vô tư khi trẻ bị hù dọa bởi những màn hóa trang ma quỷ. Vậy chẳng phải quá vô lý sao?

Em bé khóc thét vì sợ hãi màn hóa trang Holloween của bạn học.

Có khi nào các bậc phụ huynh đặt câu hỏi: Tâm lý của những đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi những màn hóa trang máu me chết chóc dịp Halloween? Chúng còn quá nhỏ, quá non nớt để có thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Nếu Halloween chỉ đơn thuần là lễ hội hóa trang, trẻ sẽ không biết đến ý nghĩa thực sự ban đầu của ngày này mà chỉ đọng lại trong đầu hình ảnh về ma quỷ và cái chết. Mà ngay cả người lớn có khi cũng chẳng biết gì hơn thế.

Ở phương Tây, Halloween là một phần trong văn hóa của họ. Người lớn hiểu được ý nghĩa của lễ hội này và họ có thể truyền đạt cho đứa trẻ thông điệp nhân văn. Còn ở Việt Nam, chúng ta chỉ tiếp nhận Halloween ở phần nổi của nó. Sự tiếp thu lệch lạc này khiến nhiều vị phụ huynh vào ngày Tết Trung thu chẳng mua cho con được chiếc đèn ông sao, chẳng buồn bỏ điện thoại xuống đưa con ra ngoài xem múa lân, hay ngẩng lên bầu trời chỉ cho con chị Hằng, chú Cuội, nhưng lại háo hức săn lùng khắp nơi, bỏ tiền triệu mua cho con những bộ trạng phục kỳ dị để chơi Halloween, rồi chụp ảnh để thể hiện khả năng "bắt trend" trên mạng xã hội.

* Ý kiến của độc giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của VTC News.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.

Hoàng Anh

Tin mới