Lễ hội Halloween cũng có phần tương đồng với rằm tháng bảy âm lịch ở nước ta, là ngày tưởng nhớ người đã mất và để hai cõi âm dương hội ngộ.
Nguồn gốc lễ hội Halloween
“Halloween” có xuất xứ từ các nước Thiên Chúa giáo, tên gọi này là sự kết hợp của hai từ Hallows Eve (ngày lễ Thánh hóa hay còn gọi là ngày lễ Các thánh), vốn được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng 11 hằng năm, mục đích là cầu nguyện cho các linh hồn.
Cũng có tài liệu cho rằng, Halloween bắt nguồn từ lễ hội Samhain của người Celt ở Ireland. Vùng đất của người Celt từng là trung tâm của nền văn hóa châu Âu với những phát minh quan trọng trong thời kì đồ sắt. Họ tổ chức lễ hội vào ngày 31/10 và 1/11 hằng năm như một nghi lễ tạm biệt và đón chào năm mới. Người Celt tin rằng đó là lúc linh hồn người chết được trở về nhà ở trần gian.
Trải qua thời gian, qua sự giao thoa văn hóa giữa nhiều vùng đất, Halloween dần trở thành lễ hội vui tươi, hấp dẫn, đặc biệt với các trẻ em. Nó gắn liền với hội hoá trang và nhiều trò chơi sáng tạo khiến mọi người đều thích thú và hào hứng tham gia.
Ý nghĩa của Halloween
Ngày lễ Halloween được biết đến như một ngày lễ tưởng niệm và chào đón những linh hồn đã mất được trở về nhà, nó gắn liền với câu chuyện dân gian về chàng thiếu niên tên Jack. Lúc sống, anh là người cô đơn, tưởng chết đi sẽ được giải thoát. Nhưng trớ trêu thay, sau khi chết Jack lại trở thành một cô hồn không chỗ dung thân.
Thương cho số phận của Jack, những người ở trần gian đã dành cho anh một ngày để được trở lại với cõi dương. Trong ngày đó, Jack có thể vui chơi thoải mái với người trần. Vì muốn Jack không lạc lõng với hình dáng của một bóng ma, người sống cũng hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có chỗ trà trộn vào cho đỡ cô đơn. Đây cũng được xem là ý nghĩa nhân văn của lễ hội Halloween.