Tính đến năm 2023, không quân Mỹ đang vận hành một phi đội gồm 76 máy bay ném bom B-52 Stratofortress, chiếc máy bay này tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự của Mỹ.
Mặc dù được đưa vào sử dụng từ những năm 1950, nhưng những chiếc máy bay này vẫn rất có giá trị do tính linh hoạt, khả năng mang tải trọng lớn và tầm hoạt động xa. Nhờ các chương trình nâng cấp và hiện đại hóa liên tục, B-52 dự kiến sẽ phục vụ tốt cho đến những năm 2050.
Phiên bản nâng cấp B-52J
B-52J là phiên bản tiên phong trong sáng kiến hiện đại hóa lớn này, chiếc máy bay này được nâng cấp về động cơ, thiết bị điện tử hàng không và hệ thống liên lạc. Đáng chú ý nhất trong số đó là thay thế động cơ TF33 cũ bằng động cơ Rolls-Royce F130 mới, hiệu quả hơn, giúp tăng hiệu suất nhiên liệu và giảm chi phí bảo dưỡng.
Máy bay ném bom B-52 của Mỹ.
Động cơ Rolls-Royce F130 là động cơ tuốc bin phản lực được chế tạo đặc biệt cho mục đích quân sự, phát triển từ dòng động cơ AE 3007 thương mại. Động cơ này có hiệu suất, độ tin cậy và chi phí bảo dưỡng thấp hơn so với động cơ TF33 cũ.
F130 giúp cho B-52 có lực đẩy tốt hơn, mang được tải trọng lớn và có tầm hoạt động xa hơn, trong khi mức tiêu thụ nhiên liệu tiết kiệm hơn. Bản nâng cấp động cơ này không chỉ kéo dài tuổi thọ của B-52, mà còn là cơ sở để Không quân Mỹ tiến hành các hoạt động hiện đại hóa tương tự trong tương lai.
Ngoài những cải tiến về động cơ, B-52J sẽ được trang bị hệ thống radar hiện đại, chẳng hạn như radar AN/APG-79 AESA. Hệ thống cải tiến này sẽ cải thiện khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu, mang lại lợi thế quan trọng trong các hoạt động phức tạp.
Radar AESA giúp cho B-52 có thể theo dõi nhiều mục tiêu với độ phân giải nâng cao và giúp lập bản đồ mặt đất. Bản nâng cấp này đảm bảo cho B-52 được trang bị tốt để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu phức tạp, từ các cuộc tấn công chính xác đến thu thập thông tin tình báo.
Buồng lái của máy bay cũng được tập trung hiện đại hóa với những nâng cấp quan trọng, thiết kế mới giúp tăng hiệu quả và sự an toàn cho phi hành đoàn. Những cải tiến chính bao gồm tích hợp màn hình buồng lái hiện đại và thiết bị điện tử hàng không kỹ thuật số. Những hệ thống mới này nhằm mục đích cung cấp cho phi công khả năng nhận thức tình huống tốt hơn, với khả năng điều hướng, nhắm mục tiêu và liên lạc hiệu quả hơn.
Hơn nữa, việc đưa vào sử dụng các hệ thống tự động dự kiến sẽ giảm khối lượng công việc của phi công, từ đó tăng hiệu quả hoạt động trong các nhiệm vụ.
Vai trò của B52J trong tương lai
Giữa những kế hoạch đầy tham vọng cho quá trình hiện đại hóa B-52J, Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO) cũng đã nêu lên một số mối quan ngại về mốc thời gian và nguồn tài trợ cho chương trình. Theo đánh giá của họ, những nỗ lực hiện đại hóa này có thể kéo dài đến năm 2033. Phần lớn là do những hạn chế về ngân sách và tính phức tạp của các nâng cấp kỹ thuật liên quan.
GAO nhấn mạnh rằng, những chậm trễ này có thể ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của phi đội máy bay ném bom Mỹ trong giai đoạn chuyển tiếp. Chính vì vậy mà việc phân bổ nguồn lực cho chương trình là ưu tiên đặc biệt của Bộ Quốc phòng Mỹ.
B-52H và vũ khí mang theo.
Hơn nữa, GAO cũng lưu ý rằng chương trình hiện đại hóa B-52 không phải là không có thách thức. Việc tích hợp các công nghệ mới có thể dẫn đến các vấn đề không lường trước được và thời gian nâng cấp có thể sẽ kéo dài. Từ phát triển phần mềm và khả năng tương thích phần cứng đến đào tạo nhân viên trong việc sử dụng các hệ thống mới, những nội dung này có thể sẽ làm chậm trễ chương trình hơn nữa.
Trong khi đó, Không quân Mỹ cũng đang tập trung phát triển máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider, chiếc máy bay này sẽ phù hợp hơn cho các hoạt động chiến lược trong tương lai. Tuy nhiên, B-52J sẽ vẫn là một nhân tố chủ chốt trong chiến lược của Quân đội Mỹ ở thời điểm hiện tại và tương lai gần, bởi độ linh hoạt và khả năng thích ứng với nhiều nhiệm vụ của máy bay.
B-21 được chế tạo với khả năng tàng hình để tấn công chính xác vào các mục tiêu quan trọng trong điều kiện môi trường tác chiến phức tạp, còn B-52J sẽ đóng vai trò là máy bay ném bom hạng nặng cho chiến tranh thông thường, răn đe chiến lược và các nhiệm vụ tấn công tầm xa.
Một trong những vai trò chính của B-52J sẽ là sử dụng các loại đạn dược dẫn đường chính xác tiên tiến để tấn công mục tiêu tầm xa. Cách triển khai này cho phép máy bay tấn công mục tiêu từ khoảng cách an toàn, giảm thiểu rủi ro cho cả máy bay và phi hành đoàn.
Nhờ khả năng mang được tải trọng lớn, B-52J có thể mang theo nhiều loại đạn dược, bao gồm cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường. Tính linh hoạt này khiến nó trở thành một thành phần quan trọng của bộ ba hạt nhân Mỹ.
B-52J cũng có thể tham gia hỗ trợ trên không cho lực lượng mặt đất và thực hiện các cuộc tấn công không đối đất. Khả năng này sẽ tăng cường hiệu quả của máy bay trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau.
Hơn nữa, tuổi thọ phục vụ kéo dài của B-52J và quá trình hiện đại hóa liên tục sẽ khiến nó trở thành nền tảng lý tưởng để thử nghiệm, tích hợp các công nghệ và chiến thuật mới. Những hiểu biết thu được từ các hoạt động này có thể định hình các chiến lược hoạt động trong tương lai của các máy bay sắp ra mắt như B-21.
Nhìn về phía trước, B-52J dự kiến sẽ vẫn hoạt động trong các cuộc tập trận chung và các hoạt động đa quốc gia ít nhất cho đến năm 2050. B-52J sẽ hoạt động cùng với B-21 và Không quân Mỹ sẽ duy trì một phi đội máy bay ném bom mạnh mẽ, có khả năng đáp ứng các nhu cầu đang thay đổi của chiến tranh hiện đại.