Báo điện tử VnExpress dẫn chia sẻ của Natalie Dattilo, cựu giám đốc tâm lý học tại Bệnh viện Brigham (Boston, Mỹ) trên trang OMH cho biết, tiếng cười khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu, mang mọi người đến gần nhau hơn, không khí làm nơi làm việc nhẹ nhàng hơn.
Tiếng cười còn là liều thuốc tốt nhất, giúp giảm căng thẳng và hỗ trợ thư giãn cơ bắp, tăng cường khả năng miễn dịch và giảm đau.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Sachet Dawar, khoa Hô hấp Y tế của Viện Khoa học Y tế và Bệnh viện quốc tế Noida, Ấn Độ, cười quá nhiều hoàn toàn không tốt, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng. Năm 1975, một người đàn ông tên Alex Mitchell được cho là đã chết vì cười quá nhiều sau khi xem một bộ phim hài. Một người đàn ông khác tên Damnoen Saen-Um qua đời trong giấc ngủ sau gần hai phút cười cuồng loạn.
Theo tiến sĩ Dawar, trạng thái cười cực độ gây tổn hại về thể chất do sự thay đổi áp lực trong khoang ngực, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nội tạng và việc truyền tín hiệu đến não. Khoang ngực là không gian bên trong lồng ngực hoặc ngực chứa tim, phổi cũng như các cơ quan và mô khác.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tiếng cười dữ dội khiến một người ngất xỉu, ngay cả ở người không có bệnh nền. Khi cười, cơ thể sẽ tăng áp lực trong lồng ngực, làm chậm tốc độ lưu lượng máu quay trở lại tim. Điều này có thể gây ra loạt phản ứng dẫn đến giảm lưu lượng máu não và có thể khiến một người bất tỉnh. Nếu một người bị chấn thương đầu do bị ngã đột ngột, vết thương đó có thể gây tử vong.
Tiếng cười quá mức có thể gây ra những rủi ro có thể biểu hiện thông qua các biến chứng, chẳng hạn như nghẹt thở và cản trở quá trình hô hấp, do đó cản trở việc hấp thụ oxy, làm gián đoạn quá trình oxy hóa của tế bào não, dẫn đến rối loạn chức năng não tiềm ẩn.
Dattilo, giảng viên tâm lý học tại khoa Tâm thần của trường Y Harvard, cho biết những người có bệnh nền như hen suyễn, phình động mạch não, nghẹt thở, nên kiểm soát những cơn cười chặt chẽ.
Cười quá nhiều không tốt cho sức khoẻ.
Cười quá nhiều là dấu hiệu của bệnh gì?
Bài viết trên website Bệnh viện Medlatec cho biết, cười nhiều có thể là một trong những biểu hiện của bệnh tâm thần, ví dụ như: tình trạng nhiễu loạn cảm xúc, trầm cảm cười hoặc hội chứng thiên thần angelman syndrome.
Tình trạng nhiễu loạn cảm xúc
Nhiễu loạn cảm xúc là bệnh tâm thần khá phổ biến, bệnh còn được biết đến với tên gọi PBA - Pseudobulbar affect. Khi mắc bệnh, chúng ta gặp khó khăn trong việc tự kiểm soát cảm xúc của bản thân, đột ngột khóc hoặc cười trong tình huống không phù hợp. Nguyên nhân gây tình trạng nhiễu loạn cảm xúc là do hệ thần kinh gặp chấn thương ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát của não bộ.
Người bị nhiễu loạn cảm xúc thường không bộc lộ đúng cảm xúc trên gương mặt, họ hay bật cười trong hoàn cảnh không thích hợp. Tình trạng này chủ yếu xuất hiện ở bệnh nhân gặp chấn thương não, người mắc bệnh Parkinson hoặc Alzheimer… Tốt nhất chúng ta nên đi thăm khám và điều trị để kiểm soát, cải thiện tình trạng nhiễu loạn cảm xúc.
Trầm cảm cười
Trầm cảm cười là dạng rối loạn cảm xúc và là biểu hiện của bệnh tâm thần mức độ nhẹ. Dù đang buồn sầu và có nhiều nỗi lo lắng, bệnh nhân vẫn luôn nở nụ cười trên môi để che giấu cảm xúc thật của bản thân. Thậm chí, người bệnh thường xuyên cười vô cớ, nếu không để ý kỹ chúng ta sẽ nghĩ rằng họ đang có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc và không có nhiều lo toan.
Hội chứng thiên thần Angelman syndrome
Nếu bạn đang thắc mắc cười nhiều có bị gì không thì câu trả lời là có, đây có thể là dấu hiệu của chứng thiên thần Angelman syndrome, một dạng rối loạn di truyền. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ bị khuyết tật trí tuệ, trẻ chậm phát triển hoặc mắc bệnh động kinh. Biểu hiện đặc trưng đó là bệnh nhân cười rất nhiều, đặc biệt là khi họ bị kích động tâm lý.
Cha mẹ nên chú ý theo dõi trẻ từ 6 tháng - 3 tuổi có dấu hiệu bất thường này hay không? Nếu có cha mẹ nên đưa con đi kiểm tra và điều trị duy trì với bác sĩ.