Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tác hại không ngờ của việc xem điện thoại khi đi vệ sinh

(VTC News) -

Nhiều nghiên cứu chỉ ra thói quen sử dụng điện thoại thông minh được cho là ảnh hưởng tới lối sống và hành vi.

Sử dụng điện thoại thông minh quá mức không chỉ cản trở việc ngủ đủ giấc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến việc ăn uống và hoạt động thể chất phù hợp, gây chứng rối loạn tiêu hóa chức năng, đặc biệt ở trẻ em.

Theo một thống kê, 30,9% thanh thiếu niên ở Italya từ 11-14 tuổi mắc rối loạn tiêu hóa chức năng liên quan đến việc sử dụng điện thoại thông minh quá mức.

Việc sử dụng điện thoại quá lâu khi đi vệ sinh gây nên một số rối loạn tiêu hóa như rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột, viêm niêm mạc mức độ thấp, thay đổi tính thấm của ruột.

Ngoài tác hại của việc sử dụng điện thoại quá mức nói chung thì việc sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh còn gây một số tác hại khác tới đường tiêu hóa.

Tác hại của việc dùng điện thoại quá lâu khi ngồi nhà vệ sinh. (Ảnh minh hoạ)

Nhiễm khuẩn

Điện thoại có thể là vật dụng thu hút nhiều vi trùng, từ hàng trăm loại vi khuẩn, nấm, nấm men. Hầu hết các loại vi trùng này vô hại, nhưng nhiều loại lại là mầm bệnh tiềm ẩn. Mặt khác, nhà vệ sinh cũng là nơi chứa nhiều vi khuẩn, đặc biệt như sàn nhà, bồn tiểu, bệ toilet, bồn rửa, vòi rửa, tay nắm cửa. Sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh càng khiến điện thoại bị nhiễm bẩn nhiều hơn.

Một số mầm bệnh trong phân có thể kể tên như: Salmonella, E.Coli và C.Difficile gây nhiễm khuẩn nhiều cơ quan, trong đó có hệ tiêu hóa nhạy cảm. Vi khuẩn E.Coli có thể gây nhiễm khuẩn tiêu hóa, nhiễm khuẩn huyết thậm chí dẫn đến tử vong.

Vi khuẩn Salmonella có thể gây tiêu chảy, viêm đường ruột, thương hàn, trong trường hợp khuẩn Salmonella lan từ ruột vào máu và các cơ quan khác thì có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vi khuẩn C.Difficile có thể gây tiêu chảy, viêm ruột, dẫn đến tử vong, các chuyên gia nhận định loại vi khuẩn này đang ngày càng trở nên nguy hiểm.

Ngay cả khi bạn cố gắng hết sức và cất điện thoại đi trước khi lấy giấy vệ sinh, không chạm vào thiết bị di động cho đến khi rửa tay sạch thì vẫn có thể xảy ra nhiễm khuẩn, vì vi trùng thực tế có ở khắp mọi nơi trong nhà vệ sinh.

Bạn có thể đã cẩn thận nhưng không thể biết người khác đã làm những gì trong nhà vệ sinh, nhất là nhà vệ sinh công cộng ở văn phòng hoặc nơi làm việc. Do đó, để đảm bảo vệ sinh thì bạn không nên mang theo điện thoại để sử dụng trong lúc đi vệ sinh.

Thay đổi thói quen đi vệ sinh và bệnh trĩ

Với nhiều người, nhà vệ sinh không chỉ là nơi giải quyết nhu cầu sinh lý mà còn là không gian yên tĩnh dành cho bản thân. Có người còn chọn cách kéo dài và tận hưởng thời gian một mình này bằng cách đọc tài liệu, tạp chí, sách báo. 

Hơn nữa, mang điện thoại vào nhà vệ sinh thay cho vài tờ báo kẹp dưới cánh tay cũng giúp bạn tránh khỏi sự để ý, kỳ thị của người khác. Vậy nên việc mang điện thoại vào nhà vệ sinh trở nên phổ biến ở nhiều người và họ hình thành thói quen kéo dài thời gian đi vệ sinh.

Tuy nhiên, điều này có thể gây ảnh hưởng đến trực tràng. Cụ thể khi ngồi vệ sinh quá 20 phút, đẩy phần lớn trọng lượng cơ thể lên hậu môn, tạo áp lực kéo dài lên trực tràng, ảnh hưởng tới sự lưu thông máu và gây ra trĩ hoặc làm bệnh trĩ có sẵn trở nên nặng hơn, khiến các búi trĩ bị ứ máu, gây các triệu chứng như đau, sưng hoặc chảy máu.

Rối loạn tiêu hóa

Sử dụng điện thoại quá lâu khi đi vệ sinh cũng làm rối loạn trục não ruột, gây các chứng rối loạn tiêu hóa chức năng như khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy. Các rối loạn này càng phổ biến và nặng hơn ở người trẻ tuổi.

Bên cạnh đó, với những người bị táo bón, thói quen ngồi vệ sinh lâu lại sử dụng điện thoại sẽ càng làm máu ứ lại trong xương chậu, làm nặng thêm bệnh trĩ và làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.

Do đó, sử dụng điện thoại khi ngồi vệ sinh có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Để có sức khỏe tốt nói chung và có đường tiêu hóa khỏe mạnh nói riêng thì bạn không nên sử dụng điện thoại trong lúc đi vệ sinh và nên lau chùi điện thoại thường xuyên.

THS.BS TRẦN ĐỨC CẢNH (Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K)

Tin mới