BN1536 đang tập cai máy thở, hai phổi thông khí khá tốt, oxy luôn đảm bảo, nhưng vẫn trong tình trạng rất nặng. Hiện bệnh nhân dừng EMCO 11 ngày, tập cai máy thở nhiều ngày, duy trì 80% thở máy, 20% tự thở, sức cơ yếu, suy tim nặng, huyết động không ổn định.
Bác sĩ Nga cho biết, sau khi kết thúc ECMO, phổi bệnh nhân đã thông khí tốt, oxy máu đảm bảo hơn. Tuy vậy, các cơ quan khác của người bệnh như não, thận, gan… đều khó hồi phục.
“Đặc biệt, do có tình trạng suy tim nên đôi lúc bệnh nhân bị lên cơn rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, đe doạ tính mạng. Mặt khác, bệnh nhân có sức đề kháng rất yếu trên nền bệnh tiểu đường, tăng huyết áp nên rất dễ bị nhiễm vi trùng và nấm bên ngoài”, bác sĩ Nga nói.
(Ảnh minh hoạ)
Bệnh nhân hiện tự ăn được gần như hoàn toàn qua đường tiêu hoá, có hỗ trợ truyền dinh dưỡng, tiếp tục duy trì thuốc hỗ trợ nâng cơ quan, kháng sinh, kháng nấm, lọc máu… tiên lượng thời gian phục hồi sẽ rất chậm.
BN1536 (79 tuổi từ Mỹ về) nhập viện từ ngày 15/1. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng do SARS-CoV-2 trên bệnh nền tăng huyết áp, tiểu đường type 2, suy tim, biến chứng rối loạn nhịp, rối loạn đông máu.
Ngày 19/1, bệnh nhân bắt đầu có suy hô hấp và đến ngày 21/1 phải thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO. Có thời điểm, bệnh nhân lâm tình trạng phù toàn thân, loét trợt nhẹ vùng tỳ đè, phổi còn đông đặc, dịch màng phổi 2 bên ra màu vàng đậm.
Trong quá trình điều trị, cùng với nhiều giải pháp chuyên môn khác, bệnh nhân được chỉ định can thiệp ECMO. Đến nay, Hội đồng chuyên môn đã 6 lần hội chẩn quốc gia bàn phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân này.
Tổ hội chẩn đánh giá BN1536 nguy kịch, nặng hơn cả bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh) và là bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất Việt Nam đợt dịch thứ 3.
Để điều trị cho BN1536, các chuyên gia, bác sĩ phải huy động tất cả các trang thiết bị hiện đại, thuốc hiếm, các xét nghiệm chuyên sâu, dinh dưỡng…. tốt nhất cho bệnh nhân.