Theo báo cáo nhanh số 08/BC-CQTT ngày 27/9 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam: Tổng số tàu cá tỉnh 2.753 tàu/13.575 lao động. Tổng số tàu cá đang hoạt động trên biển là: 77 tàu/2.398 lao động, các tàu nhận được thông báo về bão số 4 (Noru).
Trong đó, các tàu hoạt động xa bờ tại khu vực Hoàng Sa hiện có 19 tàu/213 lao động. Còn 9 tàu/100 lao động tàu đang di chuyển xuống phía Nam. Tuy nhiên tốc độ di chuyển rất chậm (từ 01-2 hải lý/giờ).
Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với gia đình và địa phương thông báo cho các tàu nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện tại vẫn giữ liên lạc được với 9 tàu, người và tàu đều an toàn.
Tại khu vực Trường Sa hiện có 58 tàu/2.185 lao động.
Vùng biển tỉnh Quảng Nam hiện đã xuất hiện sóng lớn. (Ảnh: Trọng Tùng)
Theo số liệu tổng hợp các địa phương tính đến 5h00 ngày 27/9/2022. Tổng số dự kiến di dời là: 45.834 hộ/155.269 người. Trong đó, sơ tán tập trung có 18.388 hộ với 67.481 người; sơ tán xen ghép 27.466 hộ với 87.841 người.
Cũng theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các địa phương vùng trung du và ven biển trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất thu hoạch vụ lúa Hè Thu, riêng một số huyện vùng núi vẫn còn 569 ha diện tích lúa nước và 3.501 ha diện tích lúa rẫy chưa thu hoạch. UBND tỉnh Quảng Nam đã có chỉ đạo tập trung thu hoạch sớm diện tích lúa đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Người dân Quảng Nam được di tản tới nơi an toàn. (Ảnh: Trọng Tùng)
Tại Đà Nẵng, trong sáng và trưa nay (27/9) các địa phương khẩn trương vận động, hỗ trợ sơ tán nhân dân đến các điểm sơ tán tập trung và nhà dân, công trình kiên cố lân cận với tổng số người sơ tán theo kế hoạch là 80.801 người, trong đó sơ tán tập trung 25.869 người, sơ tán xen ghép (lân cận) là 54.932 người (tính đến rạng sáng 27/9).
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các địa phương tổ chức sơ tán dân tại vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vùng núi, vùng ven sông, ven suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng đến nơi an toàn, hoàn thành trước 14h ngày 27/9. Báo cáo kết quả thực hiện về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố trước 16h cùng ngày.
UBND TP Đà Nẵng yêu cầu người dân (trừ lực lượng làm nhiệm vụ) không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20h ngày 27/9 cho đến khi có thông báo tiếp theo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự.
Đặc biệt, chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tuyệt đối không để người ở lại trên các tàu cá, lán trại tạm, công trình đang xây dựng từ 14h ngày 27/9 đến khi có thông tin cuối cùng về cơn bão số 4. Chủ tịch UBND quận Sơn Trà chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải quyết định việc cấm người và phương tiện giao thông lên núi Sơn Trà.
Đà Nẵng sẽ cấp lưu thông qua hầm chui Điện Biên Phủ khi có sự cố ngập nước. (Ảnh: Xuân Tiến)
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, đến 8h hôm nay cơ bản hoàn thành công tác cắt tỉa, chằng chống cây xanh tại các tuyến đường chính. Đã có hơn 800 tàu cá vào neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang, hơn 220 tàu cá đang neo đậu ở các khu vực vịnh Mân Quang, cồn Ma, bờ đông và bờ tây sông Hàn, Đa Phước, biển Thanh Khê; 664 ghe, thúng đã được cẩu, kéo lên bờ.
Các sở, ban, ngành, địa phương đã, đang tổ chức trực ban 24/24h để tiếp nhận kịp thời các thông tin và tham mưu việc chỉ đạo, xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai.
Lúc 4h ngày 27/9, bão số 4 trên vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và khả năng mạnh thêm. Đến 16h ngày 27/9, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 300km, Quảng Nam khoảng 250km, Quảng Ngãi khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật cấp 17.