Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Showbiz Việt 'thoi thóp' qua mùa dịch, nhiều nghệ sĩ phải lao động chân tay

(VTC News) -

Phim đang chiếu phải dừng, phim sắp ra mắt phải hoãn, sân khấu đóng, gameshow không thể quay, nghệ sĩ kiếm đủ cách mưu sinh, thậm chí phải chạy xe ôm, làm nail...

Suốt 2 năm qua, dịch COVID-19 khiến cho ngành giải trí Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các bộ phim bị hoãn chiếu, các gameshow dừng ghi hình, rạp chiếu phim đóng cửa. Nhà sản xuất kêu trời vì thua lỗ, nghệ sĩ không có thu nhập, nhiều người phải chọn cách bán hàng online hoặc làm các nghề khác để mưu sinh.

Nhà sản xuất lỗ hàng chục tỷ đồng

Ngày 3/5, UBND TP.HCM chỉ đạo ngừng nhiều hoạt động sân khấu ca nhạc, kịch, rạp phim và trò chơi điện tử từ 18h. Điều này đồng nghĩa với việc mùa phim 30/4 và 1/5 khép lại, bởi lẽ TP.HCM là thị trường lớn nhất cả nước. Thời điểm đó, đang có 4 bộ phim Việt ra rạp gồm: Thiên thần hộ mệnh, Trạng Tí phiêu lưu ký, Lật mặt: 48h và Bố già.

"Lật mặt: 48h" gặp khó khăn trong việc ra mắt vì dịch COVID-19.

Trong 4 bộ phim này, Bố Già của nhà sản xuất Trấn Thành là may mắn nhất. Phim đã ra mắt được một thời gian và đạt doanh thu 400 tỷ đồng tiền vé. Ba phim còn lại đều rơi vào tình huống khó khăn.

Lật mặt: 48h hủy chiếu một lần vào dịp lễ 30/4 năm 2020 do rạp đóng cửa và điều này làm tiêu tan của nhà sản xuất Lý Hải 2 tỷ đồng chi phí quảng bá. Phim định ra rạp vào đầu tháng 2/2021 nhưng đúng thời điểm đó, dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Lật mặt: 48h lại lỡ hẹn với khán giả. Đạo diễn cho biết, bộ phim tốn khoảng 10 tỷ đồng chi phí truyền thông sau hai lần gặp khó vì COVID-19.

Giữa tháng 4/2021, Lật mặt: 48h ra rạp và lập kỷ lục 150 tỷ đồng doanh thu chỉ sau 2 tuần. Khi phim đang hút khán giả, các rạp tại Hà Nội và TP.HCM lại phải đóng cửa. Phim bị rút khỏi rạp sớm hơn dự kiến, khiến nhà sản xuất thiệt hại hàng tỷ đồng.

Thiên thần hộ mệnh của Victor Vũ - đạo diễn bảo chứng về doanh thu của phim Việt - mới thu về khoảng 40 tỷ đồng thì rạp đóng cửa. Doanh thu này là con số rất hạn chế so với tên tuổi của Victor Vũ.

Trạng Tí phiêu lưu ký của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân có số phận kém may mắn nhất. Theo tính toán của nhà sản xuất, phim phải đạt doanh thu phòng vé hơn 100 tỷ đồng mới hòa vốn. Tuy nhiên, khi Trạng Tí phiêu lưu ký mới chỉ thu về 16 tỷ đồng và bắt đầu nhận được phản hồi tích cực từ phía khán giả thì rạp chiếu đóng cửa.

"Trạng Tí phiêu lưu ký" có doanh thu chưa đủ bù chi phí đầu tư.

Bên cạnh các bộ phim dừng chiếu do rạp dừng hoạt động, còn rất nhiều các tác phẩm điện ảnh phải lùi lịch công chiếu. Chẳng hạn, BHD hoãn chiếu 4 tác phẩm gồm Bí mật thiên đường của Lý Nhã Kỳ, Người tìnhTim hằn vết sẹo của đạo diễn Lưu Huỳnh, Maika, Cô bé đến từ hành tinh khác của đạo diễn Hàm Trần. Ba dự án điện ảnh lớn khác của hãng bị lùi lịch sản xuất.

Bao giờ phim được ra mắt công chúng trở thành câu hỏi chưa có lời đáp với các nhà sản xuất. Từng ngày trôi qua là họ chịu rất nhiều những thiệt hại về tài chính.

Phim đang chiếu phải dừng đột ngột, phim hoàn thiện không thể ra mắt, giãn cách xã hội cùng vô vàn khó khăn thời COVID-19 khiến các nhà làm phim không dám đầu tư sản xuất mới. Trong suốt hai năm qua, các nhà làm phim gần như "án binh bất động".

Các rạp chiếu phim kêu cứu

Đầu tháng 6/2021, bốn đơn vị phát hành lớn là Galaxy , BHD, Lotte Cinema, CGV gửi văn bản kiến nghị lên Văn phòng Thủ tướng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, mong nhận được sự hỗ trợ để vượt qua cơn khủng hoảng chưa từng có.

Theo các đơn vị này, từ cuối tháng 1/2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp điện ảnh. Khi rạp đóng cửa, doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim của các doanh nghiệp điện ảnh gần như bằng 0, trong khi họ vẫn phải chịu các chi phí thuê mặt bằng, lương và phúc lợi cho nhân viên.

Hệ thống rạp chiếu phim ít có cơ hội sáng đèn trong suốt 2 năm qua.

Cuối tháng 9/2021, 20 công ty sản xuất phim gửi văn bản cầu cứu đến Thủ tướng và UBND TP.HCM, nêu rõ: "Các doanh nghiệp sản xuất phim và chương trình truyền hình đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải đối diện với nguy cơ phá sản hàng loạt khi dừng hoạt động vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19"; "Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư và giãn cách xã hội tại TP.HCM trong những tháng qua khiến nhiều bộ phim, chương trình truyền hình bị lùi sản xuất, phát hành hoặc hoãn vô thời hạn. Tình trạng này khiến nguồn vốn đầu tư vào các dự án phim, chương trình truyền hình bị tồn đọng, nhiều nhân sự mất việc hoặc bị giảm thu nhập. Nhiều doanh nghiệp đang ở tình trạng kiệt quệ về nguồn lực".

Trong văn bản này, 20 doanh nghiệp không xin hỗ trợ tài chính mà chỉ xin cơ chế để hoạt động trong bối cảnh bình thường mới.

Hiện tại, TP.HCM không còn giãn cách xã hội. Nhịp sống bình thường đang dần quay trở lại. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào các doanh nghiệp sản xuất và phát hành phim mới có thể hồi sinh. Các gameshow cũng chỉ mới rục rịch công tác chuẩn bị, chưa dám đẩy mạnh việc ghi hình.

Nghệ sĩ vất vả mưu sinh

Phim mới không thể bấm máy, phim đã làm không thể công chiếu, gameshow dừng ghi hình, các nghệ sĩ bị mất công việc và thu nhập. Một số người về quê để ở gần người thân như Xuân Nghị, Trường Giang, Minh Luân... Vợ chồng Lý Hải - Minh Hà chọn cách đưa các con lên nông trại trên Đà Lạt, vừa tránh dịch vừa nghỉ ngơi.

Nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng được trải qua thời gian rảnh rỗi của mùa dịch một cách thảnh thơi. Ca sĩ Trương Đan Huy cho biết, dịch COVID-19 hoành hành suốt  2 năm qua khiến cho công việc kinh doanh của anh liên tiếp rơi vào tình trạng thua lỗ. Hiện không còn khả năng chi trả, nam ca sĩ mong các chủ nợ hiểu, thông cảm và cho anh thêm thời gian.

Nghệ sĩ Tấn Beo tâm sự về mong muốn bán nhà để giải quyết khó khăn nhưng lại gặp phải nhiều trở ngại bởi căn nhà của anh năm trong khu quy hoạch, thủ tục giấy tờ không dễ dàng. 

Việt Anh - gương mặt sáng giá liên tục có mặt trong các bộ phim hot của VTV, từng khiến bao người ngưỡng mộ bởi thông tin anh sở hữu nhiều bất động sản, hàng hiệu cùng hai siêu xe giá 10 tỷ và 5 tỷ đồng - cũng gặp  khó khăn về tài chính. Nam diễn viên tâm sự: "Trước đây, tôi có 2 nguồn thu tương đối ổn định từ việc cho thuê một nhà chung cư và một nhà mặt đất. Thế nhưng vì dịch nên họ trả lại hết rồi. Bây giờ tôi đang đi tìm cách cho thuê lại 2 căn nhà đó để đảm bảo nguồn thu ổn định. Đặc biệt với căn nhà chung cư, tôi đang trả góp ngân hàng, hiện còn khoảng 2 tỷ đồng. Mỗi tháng, cả gốc cả lãi tôi phải trả 30 triệu đồng cho căn hộ đó, cộng với chi phí sinh hoạt rơi vào khoảng 50 triệu đồng/tháng, thế nên cũng hơi căng".

Diễn viên Việt Anh.

Không còn đi diễn, một số nghệ sĩ phải vất vả tìm hướng khác mưu sinh, trong đó có nghề bán hàng online. Công việc này phổ biến đến mức nhiều người nhận xét, có đến phân nửa số nghệ sĩ trong showbiz Việt làm nghề bán hàng online trong mùa dịch.

Hải Triều bán chè bưởi, Sĩ Thanh bán quần áo, Thuận Nguyễn bán lạp xưởng, Cát Tường kinh doanh mỹ phẩm, Phương Lan bán bánh bột lọc… Rất nhiều tên tuổi lớn trong showbiz cũng đẩy mạnh hoạt động bán hàng online trong mùa dịch như Kim Tử Long, Đàm Vĩnh Hưng, Nam Cường, Lê Giang...

Lê Giang - Kim Tử Long bán hàng online.

Với các loại hình nghệ thuật truyền thống, đời sống nghệ sĩ vốn đã chật vật khi sân khấu vẫn sáng đèn, đến khi các điểm giải trí đóng cửa hoàn toàn do dịch, tình hình tài chính của họ càng trở nên kiệt quệ. Có những người phải làm thêm công việc chân tay như chạy xe ôm, làm nail... kiếm sống. Có người đành phải bỏ nhà hát dù đã sống chết với nghề suốt mấy chục năm qua.

Showbiz Việt lay lắt 2 năm qua. Tới thời điểm hiện tại, các địa phương không còn giãn cách xã hội nữa, các hoạt động đang bắt đầu trở lại, nhưng có lẽ còn rất lâu nữa "sức khỏe" của ngành này mới có thể hoàn toàn hồi phục.

Hoàng Anh

Tin mới