Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư), hiện các đoàn tàu tuyến Cát Linh – Hà Đông vẫn được tiếp tục công tác chạy thử. Tuy nhiên việc đánh giá an toàn hệ thống của tư vấn Pháp vẫn chưa xong. Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan hiện vẫn đang nỗ lực để có thể bàn giao cho Hà Nội trước 31/3/2021 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Gia hạn dự án Cát Linh - Hà Đông đến ngày 31/3/2021.
Theo Bộ GTVT, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị kéo dài, chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân. Đặc biệt, dự án dự kiến chạy thử toàn hệ thống đầu năm 2020, sau đó bàn giao cho Hà Nội để khai thác. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, nhân sự nhà thầu không thể sang Việt Nam nên không thể thực hiện theo kế hoạch.
Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục làm việc với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, tổng thầu, tư vấn đánh giá độc lập về an toàn, đơn vị tiếp nhận dự án và các đơn vị liên quan để chuẩn bị công tác nghiệm thu, hoàn thiện thủ tục để bàn giao cho Hà Nội khai thác, sử dụng.
Tiến độ chậm trễ của dự án được cho là do vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng trọn gói và việc thực hiện kết luận của Kiếm toán Nhà nước chưa được tháo gỡ. Theo đó, Chính phủ đã chấp thuận với kiến nghị của Bộ GTVT là lùi tiến độ bàn giao cho Hà Nội đến 31/3/2021.
Trước đó, vào đầu tháng 12/2020, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã có chỉ đạo về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án và thời hạn rút vốn của Hiệp định vay bổ sung trị giá 1,598 tỷ NDT Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý gia hạn thời gian thực hiện Dự án và gia hạn thời gian giải ngân của Hiệp định vay bổ sung như kiến nghị của Bộ GTVT. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục gia hạn theo quy định.
Về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT cho biết, từ khi khởi công tới nay dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ, như: Giải phóng mặt bằng chậm; quy định về hợp đồng EPC chưa rõ ràng, hợp đồng ký thiếu chặt chẽ, chưa đúng bản chất loại hợp đồng này; dự án sử dụng vốn vay ODA; công nghệ mới, kỹ thuật cao lần đầu áp dụng tại Việt Nam; thay đổi về chính sách, quy định;
Tổng thầu EPC (Trung Quốc) bộc lộ nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành và quản lý, phụ thuộc nhiều vào các đơn vị liên kết; chưa thực hiện các yêu cầu của Chủ đầu tư nên thường xuyên chậm trễ hoàn thành các hạng mục theo mốc tiến độ đã cam kết.
Về trách nhiệm, ngoài trách nhiệm chính là của Tổng thầu, có trách nhiệm từ chủ đầu tư trong quản lý điều hành dự án (Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT). Ngoài ra, có trách nhiệm của tư vấn thiết kế về chất lượng lập dự án, tư vấn giám sát trong quá trình giám sát thi công; của Hà Nội trong việc chậm giải phóng mặt bằng.
Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt kiểm tra, rà soát các điều khoản trong hợp đồng EPC, xác định rõ trách nhiệm của Tổng thầu và các bên liên quan để xử lý. Cùng với đó là giải quyết các khiếu kiện trong trường hợp cần thiết phù hợp với điều kiện của hợp đồng EPC.