Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sao CSGT không xử lý mạnh xe tự chế chở sắt, tôn trước khi chúng làm chết người?

(VTC News) -

Nếu những chiếc xe tự chế chở vật liệu sắc nhọn, cồng kềnh bị chặn lại ngay khi xuất hiện trên đường thì làm gì có những cái chết thương tâm như vẫn thường xảy ra?

Loại xe tự chế nghễu nghện chở theo những thanh sắt dài lại tạo ra thêm một đám tang trong ngày mưa rét 12/1. Cuộc đời của chàng trai người quận Thanh Xuân, Hà Nội đã dừng lại ở tuổi 22 tươi đẹp nhất sau khi xe máy của anh va chạm với chiếc xe này trên đường Trịnh Văn Bô (quận Nam Từ Liêm). Có tới 180 thanh sắt trần trụi dài đến 12 mét, phần lớn thò ra khỏi thùng xe!  

Khi có va chạm, những thanh sắt được chở kiểu đó nguy hiểm có kém gì đao kiếm. Cho dù chúng không trực tiếp làm tổn thương người đi đường, sự cồng kềnh, khó kiểm soát của chúng cũng rất dễ khiến xe gây tai nạn, như vụ việc thương tâm kể trên.

Trước đó chưa lâu, sáng 7/11, một phụ nữ 61 tuổi đi xe máy cũng ngã xuống đường và chết tại chỗ khi va chạm với chiếc xích lô chở những thanh sắt dài và ván thạch cao diện tích lớn trên đường 3 Tháng 2, quận 10, TP.HCM.

Đây là hình ảnh khá quen thuộc ở Hà Nội. (Ảnh: Ngô Nhung)

Trước đó nữa, không thể kể hết những trường hợp tai nạn giao thông gây chết người hoặc trọng thương mà tác nhân là xích lô, xe tự chế… chở bó sắt dài nhọn hay các tấm tôn sắc lẹm. Trong đó, nhiều nạn nhân bị cạnh sắc của tấm tôn cứa cổ, hoặc bị thanh sắt đâm xuyên người. Sự đáng sợ của loại phương tiện này khiến người dân phải dùng từ “xe máy chém” để gọi chúng.

Điều gây xót xa và bức xúc nhất là tuy những vụ thương vong tương tự đều đặn xảy ra, người ta vẫn để cho loại xe vi phạm quy định an toàn giao thông đó di chuyển trên phố. Nếu không buộc phải dừng lại vì gây tai nạn, có lẽ phần lớn những chiếc xe máy chém bị “lên báo” thời gian qua vẫn tiếp tục hoàn tất hành trình của mình.

Chẳng lẽ không có cách phát hiện và ngăn chặn những “hung thần” này, khi mà với kích thước, tốc độ của chúng, quá dễ để lực lượng chức năng nhìn thấy và “đuổi kịp”? Luật pháp đã có quy định rõ ràng, lực lượng và cả phương tiện giám sát công nghệ cao đều có, vậy thực trạng trên tồn tại hết năm này qua năm khác là trách nhiệm của ai?

Tin chắc rằng nếu cơ quan chức năng xử phạt đủ nghiêm, những tài xế, chủ xe đó sẽ không dám vi phạm. Hãy xem tác động thay đổi cả nếp sống đô thị của lệnh cấm nồng độ cồn với tài xế. Khi tài xế hiểu mình chắc chắn bị phạt nặng nếu bị phát hiện lái xe sau khi uống rượu bia và hoàn toàn không có khả năng “xin xỏ”, họ sẽ không dám uống.

Trong một thời gian ngắn kể từ khi quy định “không cồn” được thực hiện nghiêm gần như tuyệt đối, hai tệ nạn được gọi là “văn hóa ép rượu” và “văn hóa gọi điện cho người thân khi gặp cảnh sát giao thông” đã phai nhạt thấy rõ.

Tại sao không nghiêm khắc như thế với loại “xe máy chém” khi chúng thật sự là mối đe dọa đối với mạng người?

Xin đừng viện lý do cần nhân văn, cảm thông với chuyện mưu sinh của các tài xế hay chủ xích lô, xe tự chế để biện minh cho việc dung túng vi phạm. Mưu sinh mà khiến người vô tội tử nạn, khiến gia đình họ bất hạnh, đau khổ với vết thương lòng vĩnh viễn thì chẳng luật pháp, luân lý nào chấp nhận.

Và càng đáng trách là sự lơi lỏng trong giám sát, xử lý của lực lượng hữu trách, khiến những người phải vất vả mưu sinh ấy trở thành tội đồ khi vi phạm của họ gây thương tích và cái  chết cho người khác.

Hiện nay camera được lắp đặt ở nhiều tuyến phố. Có nên phạt nguội những cảnh sát, thanh tra giao thông có trách nhiệm ở khu vực phát hiện loại xe “máy chém” thoải mái nghênh ngang trên đường?

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Nguyên Ninh

Tin mới