Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ 8-10/12. Năm nay triển lãm thu hút hơn 170 đơn vị doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia trên thế giới.
Tại triển lãm, các đơn vị sẽ trưng bày và trình diễn nhiều phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho các lực lượng hải quân, lục quân, phòng không – không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật.
Phi đội máy bay Su30 MK luyện tập để phục vụ triển lãm. (Ảnh: TTXVN)
Một số nước cũng sẽ mang sản phẩm công nghệ quốc phòng đến giới thiệu tại triển lãm ở Việt Nam như Ấn Độ giới thiệu công nghệ radar cảnh giới, tên lửa đối không, hệ thống cảnh báo sớm,... Nga sẽ trưng bày các loại máy bay không người lái, tiêm kích tàng hình thế hệ 5 mới nhất Sukhoi Su-57E.
Ngoài không gian trưng bày các trang thiết bị quân sự, tại triển lãm cũng có các khu vực không gian văn hóa, ẩm thực, không gian “Kinh tế - quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số” về các dấu mốc của quân đội Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử, gắn với phát triển kinh tế xã hội, kết nối với triển lãm không gian mạng.
Triển lãm được mở cửa từ 9-18h hàng ngày, trong đó mở cửa miễn phí cho công chúng từ 14-18h ngày 9/12 và cả ngày 10/12.
Bộ Quốc phòng trước đó dự kiến tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam (Vietnam Defence) từ năm 2020. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam, triển lãm đã không thực hiện được. Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát và đẩy lùi, Bộ báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tổ chức triển lãm.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Chính ủy Tổng cục công nghiệp quốc phòng, mục đích Bộ Quốc phòng tổ chức Vietnam Defence 2022 làm nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại về quốc phòng, tạo dựng lòng tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới; quảng bá, tuyên truyền năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam sản xuất đến bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước; tạo điều kiện để các quốc gia, các công ty, doanh nghiệp trong nước, quốc tế giới thiệu, trưng bày sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Bên cạnh đó là tăng cường hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng, đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang bị kỹ thuật, trang bị hậu cần đáp ứng yêu cầu của các lực lượng vũ trang; tìm hiểu xu hướng phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật trên thế giới để đề xuất, lựa chọn mua sắm, sản xuất, cải tiến vũ khí trang bị cho quân đội và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng.
Sau khi tổ chức Vietnam Defence 2022, Bộ Quốc phòng sẽ đánh giá để nghiên cứu hướng tới biến đây thành một sự kiện 2 năm một lần.
Một số hình ảnh hoàn thiện công tác chuẩn bị cho Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022
Quang cảnh khu vực trưng bày ngoài trời trong chiều ngày 6/12. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)
Khu vực trưng bày ngoài trời, các khí tài tác chiến điện tử, thông tin, radar, vũ khí, pháo, xe tăng... (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)
Các xe nâng nối tiếp nhau vận chuyển khí tài của các gian hàng về đúng vị trí. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)
Chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 45 (Binh chủng Pháo Binh) bảo dưỡng pháo phục vụ trưng bày. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)
Gian trưng bày trong nhà của Tập đoàn Viettel đang gấp rút hoàn thiện và triển khai các khí tài. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)
Khu vực trưng bày các UAV trinh sát tầm gần "Make in Vietnam", sản phẩm của Viettel. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)
Radar trưng bày ngoài trời và mô hình radar của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)
Công tác an ninh được thắt chặt tại triển lãm. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)